Luật có nhưng không thực hiện
Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ra đời đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng và phát triển đô thị hiện nay. Luật quy định về hoạt động quy hoạch đô thị gồm lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị; tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Trong đó, có nêu rõ về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị đối với các cấp quận, huyện, thị xã.
Theo đó, tại Khoản 4 Điều 19 Luật quy hoạch đô thị 2009/QH12, ngày 17/6/2009 quy định: “Ủy ban nhân dân quận tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý, trừ quy hoạch đô thị quy định tại các khoản 1, 2 và 7 Điều này”.
Luật đã rằng như vậy, nhưng trên thực tế, nhiều địa phương hiện vẫn đang “đi ngược”, thậm chí không áp dụng theo đúng như quy định. Đơn cử, sau quá trình thanh, kiểm tra công tác quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của UBND quận Nam Từ Liêm và một số dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn UBND quận đã phát hiện nhiều chồng chéo và sai phạm nghiêm trọng.
Kết luận thanh tra cho thấy, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn, UBND quận Nam Từ Liêm chỉ được tham gia ý kiến ở giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư, (kể cả quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hay quy hoạch tổng mặt bằng) do Sở Quy hoạch Kiến trúc, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận, phê duyệt, do đó, UBND quận Nam Từ Liêm chưa thực hiện đầy đủ việc quản lý nhà nước của chính quyền địa phương đối với công tác quy hoạch. Hầu hết hồ sơ quy hoạch các dự án không được bàn giao cho UBND quận quản lý để kiểm tra việc xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Không những vậy, UBND quận còn chưa thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo đúng quy định pháp luật.
Như vậy, UBND quận Nam Từ Liêm đã không triển khai tổ chức việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500, không thực hiện đúng quy định tại Khoản 4, Điều 19 của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12.
Nghị định 180/NĐ-CP cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng đô thị của lãnh đạo UBND thành phố, các cấp quận, huyện, xã, phường. Vậy nhưng muốn quản lý thì phải có hồ sơ, phải được cung cấp chứng chỉ quy hoạch, được giới thiệu địa điểm, được phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu theo quy định pháp luật và phải lưu trữ hồ sơ để thực hiện quản lý xây dựng theo quy hoạch. Tuy nhiên, xét từ thực tế, nhà quản lý các cấp quận, huyện, dường như lại không làm được việc này. Đây cũng chính là căn nguyên khiến cho những vi phạm TTXD diễn ra ngày một nhiều và khi “sự đã rồi” thì chỉ có cấp quận, huyện bị “trảm” hoặc phải là người “đứng mũi chịu sào”.
Hệ luỵ từ sự chồng chéo giữa quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị
Đã đến lúc cần phải làm rõ khái niệm về quy hoạch nông thôn. Bởi chăng nông thôn ở đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ phải khác với nông thôn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh? Như vậy, hiểu về quy hoạch cũng phải rất khác nhau.
Ví thử tại Hà Nội, khái niệm nông thôn phải chăng những làng nghề truyền thống cổ xưa đã tồn tại nhiều năm nay như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng gốm Bát tràng (Gia Lâm) hay làng đúc đồng Ngũ Xá (Ba Đình)…Ở đó, một số nét xưa của Hà Nội như cây tre, bến nước, sân đình vẫn còn được lưu giữ và phát triển.
Tuy nhiên, theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2050 được duyệt tại Quyết định số 1295/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố Hà Nội được quy hoạch thành dải đất rộng khi sát nhập thêm huyện Hà Tây, trong đó nêu rõ đây là quy hoạch khu vực đô thị, phân khu đô thị. Vậy mà thời gian dài UBND TP. Hà Nội đã phát động, yêu cầu UBND các cấp quận, huyện xây dựng quy hoạch nông thôn mới. Chính điều đó đã khiến hàng trăm các quy hoạch nông thôn ra đời giữa lòng Hà Nội, khiến người dân không hiểu, lãnh đạo “ngỡ ngàng”, bởi không biết phải thực hiện thế nào? Đây cũng chính là căn nguyên dẫn đến những chồng chéo và cách hiểu sai về quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị.
Kết quả thanh tra tại một số quận, huyện thuộc địa bàn thành phố Hà Nội như huyện Phú Xuyên, Gia Lâm, Nam Từ Liêm… cũng cho thấy, những địa bàn này ít quan tâm đến lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch lập phân khu đô thị theo quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, mà chỉ lập quy hoạch nông thôn. Và trong thời gian gần đây, UBND thành phố đã phê duyệt các quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 trên địa bàn các quận, huyện này. Điều đó có nghĩa, tại một địa bàn quận huyện hoặc một mảnh đất đang tồn tại hai loại quy hoạch khác nhau.
Cụ thể, tại quận Nam Từ Liêm, UBND Quận Nam Từ Liêm đã tổ chức lập 6 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn 2050 được duyệt tại Quyết định số 1295/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì Quận Nam Từ Liêm (trước đây là huyện Từ Liêm) là một khu vực đô thị cấu thành đô thị Hà Nội. Qua thanh, kiểm tra tra cho thấy, UBND huyện Từ Liêm đã tổ chức lập 6 đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, mà nội dung đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới lại khác hoàn toàn với nội dung của quy hoạch phân khu đô thị. Vậy là không phù hợp, bởi hai loại quy hoạch không thể nằm song hành trên cùng một mảnh đất!
Trong những năm gần đây, Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện lập, thẩm định, phê duyệt hàng trăm các đồ án quy hoạch nông thôn mới, các đồ án sau đó lại được thay thế dần bởi các đồ án phân khu đô thị. Điều này đã khiến nhiều người đặt câu hỏi, tại sao giữa Thủ đô Hà Nội lại có câu chuyện ấu trĩ xảy ra như vậy? Chuyện tưởng đùa, nhưng lại là sự thật! Bởi hàng trăm tỷ từ mồ hôi nước mắt của nhân dân bỏ ra, nhưng chỉ để để lập lên những bộ hồ sơ rồi “cất xó”. Trách nhiệm này thuộc về ai? Ngoài việc tốn kém về vật chất, chính quyền cấp huyện khi thì bảo thực hiện theo đồ án quy hoạch nông thôn mới, lúc thì bảo thực hiện theo đồ án quy hoạch phân khu chức năng. Việc làm này không chỉ khiến cho nhân dân không hiểu, mà còn gây bức xúc, phẫn nộ như câu chuyện ở chợ Ninh Hiệp ( Gia Lâm – Hà Nội).