1000 tỷ đồng để Hà Nội xây dựng một hồ sơ địa chính tổng thể, hướng tới sự quản lý đồng bộ, thống nhất từ thành phố tới các địa phương, xã, phường, thị trấn - Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết.
Trong đó, bao gồm từ đo đạc, đến mua sắm trang thiết bị để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai; hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm, cấp đổi giấy; lập hồ sơ quản lý thống nhất trên toàn thành phố. Trọng tâm là công tác đo đạc.
1000 tỷ đồng để Hà Nội xây dựng một hồ sơ địa chính tổng thể
Đây là dự án dài hơi, phục vụ cho công tác quản lý đất đai tới năm 2018.
Trước đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh cho biết: Để hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) đang còn vướng mắc, trong năm 2014, Hà Nội sẽ chi gần 1.000 tỷ đồng để triển khai các dự án xây dựng hồ sơ địa chính và dữ liệu quản lý đất đai...
Theo đó, số tiền dành cho việc triển khai xây dựng tổng thể dự án hồ sơ địa chính và dữ liệu quả lý đất đai chiếm khoảng 900 tỷ đồng; vốn cho công tác đo đạc, rà soát, cấp sổ đỏ đối với đất nông-lâm trường 83 tỷ đồng.
Sở dĩ Hà Nội phải đầu tư số tiền 1000 tỷ, theo ông Nghĩa là do cơ sở hạ tầng hiện nay của Hà Nội quá nghèo nàn, chưa có gì ngoài mấy cái máy tính, nên công tác quản lý đất đai gặp rất nhiều khó khăn.
"Việc cấp sổ đỏ trước đây, chỉ dựa trên giấy tờ của các hộ dân đang sử dụng, không có tranh chấp, cấp là cứ cấp thôi. Nhưng cấp xong giấy chứng nhận rồi mà không đưa vào quản lý thì hiệu quả của giấy chứng nhận đó là rất hạn chế", ông Nghĩa nói.
Khi thực hiện chủ trương này Hà Nội sẽ phải tiến hành đo đạc để quy lại hệ tọa độ thống nhất. Thứ hai, để xác định thời điểm không có biến động, hồ sơ địa chính tổng thể này sẽ chính thức cập nhật những biến động thường xuyên từ nay và sau này. Khi chia tách ở bất cứ thửa đất nào, thu hồi đất làm đường giao thông sẽ đều được cập nhật. Như vậy việc theo dõi quản lý cũng chặt chẽ hơn.
"Tôi lấy ví dụ, trước đây người dân chia tách thửa đất xong là cứ cấp giấy sử dụng đất, khi thu hồi đất làm đường cần chỉnh lý giấy chứng nhận sử dụng đất nhưng hồ sơ địa chính không có thì không thể xác định đất làm đường là bao nhiêu. Lúc đó chỉ thực hiện kiểm kê, báo cáo bằng giấy chứ không thể xác định được số liệu có chính xác không thì việc chỉ đạo chiến lược vĩ mô của nhà nước là rất khó", ông Nghĩa nói.
Nói về những vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hiện nay, ông Nghĩa giải thích có nhiều nguyên nhân.
Vướng mắc do các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích sau thời điểm quy định của Luật đất đai giờ không xử lý được.
Thứ hai là trong công tác giải tỏa gặp khó khăn do vướng mắc pháp lý...
Theo ông Nghĩa, nguyên nhân dân không muốn nhận sổ đỏ do thuế cao hoặc không đủ tiền nộp phạt vì chậm nhận sổ đỏ lại không phải là nguyên nhân chính đối với Hà Nội.
Nhiều giải pháp đã được Hà Nội áp dụng để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội, các địa phương phải cơ bản hoàn thành công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) lần đầu trong năm 2013 (đạt tỷ lệ 85%).
Sau đó Chính phủ cũng ra chỉ thị đôn đốc các địa phương thực hiện công tác này, thậm chí còn chi 1.000 tỷ giúp các tỉnh thực hiện công tác đo vẽ hồ sơ địa chính.
Dù nhiều biện pháp được đưa ra nhưng cũng vẫn còn 24 địa phương không đạt chỉ tiêu cấp sổ đỏ lần đầu, trong đó có Hà Nội.
Cụ thể, đến cuối năm 2013 dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng Hà Nội mới đạt tỷ lệ hơn 40%.
Lam Lam (Báo Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.