Phóng viên: Xin ông cho biết, đến nay hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã giải ngân được bao nhiêu vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB)?
Ông Vũ Đức Hiệp: Tính đến ngày 31/8/2014 KBNN đã giải ngân vốn đầu tư XDCB đạt 56,2% kế hoạch giao năm 2014, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 và các năm gần đây. Cụ thể, tháng 8/2013 đạt 59% kế hoạch; tháng 8/2012, đạt 60% kế hoạch; tháng 8/2011 đạt 58% kế hoạch. Nếu so với các năm về trước thì đây là mức giải ngân thấp.
Tỷ lệ giải ngân chỉ mới đạt 56,2%, cơ bản là chậm so với yêu cầu đặt ra, nguyên nhân do đâu thưa ông?
Có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư chậm nhưng nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp có thể kể tới, đó là:
Thứ nhất, về cơ chế chính sách: Thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến cơ chế chính sách quản lý vốn đầu tư XDCB. Nhiều chính sách mới được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả hơn vốn đầu tư của Nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư như: Vướng mắc về mức vốn tạm ứng theo Chỉ thị 1792/CT-TTg đối với dự án ODA, mức vốn tạm ứng đối với các hợp đồng nhập khẩu thiết bị; vướng mắc về bảo lãnh tạm ứng theo Nghị định số 207/2013/NĐ- CP của Chính phủ đối với trường hợp dân tự làm...
Thứ hai, về tổ chức thực hiện: Trong những tháng đầu năm 2014, các bộ ngành, địa phương đã và đang thực hiện phân bổ vốn đầu tư cho các đơn vị trực thuộc và các chủ đầu tư, vì vậy chủ đầu tư chưa có khối lượng nghiệm thu gửi KBNN làm cơ sở kiểm soát, thanh toán. Hơn nữa, trong những tháng đầu năm, chủ đầu tư và nhà thầu tập trung thanh toán kế hoạch 2013 kéo dài, kế hoạch vốn ứng trước (khoảng 38.000 tỷ đồng), bằng 21,3% tổng số vốn đã giải ngân 7 tháng đầu năm 2014. Đặc biệt, do nhiều chế độ mới được ban hành nên chủ đầu tư còn lúng túng trong quá trình thực hiện...
Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) ở một số dự án còn chậm, nguyên nhân là do kinh phí phê duyệt GPMB ở vượt cao so với dự toán ban đầu, có nơi cao gấp 3 lần so với dự toán được duyệt nên phải bổ sung, điều chỉnh. Hơn nữa, công tác áp giá đền bù nhà cửa, đất sản xuất, hoa màu còn thấp so với giá thị trường; một số hộ dân chưa đồng thuận về giá đền bù, vị trí tái định cư, không hợp tác trong tổ chức thực hiện GPMB... Đối với các tỉnh miền Nam từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa lũ nên cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thi công xây dựng các công trình, đặc biệt là các công trình thủy lợi.
Thứ tư, việc giao kế hoạch vốn bổ sung giai đoạn 2014-2016 của các dự án trái phiếu Chính phủ được thực hiện trong năm 2014 chậm, kéo theo đến cuối tháng 7/2014 Bộ Giao thông Vận tải mới thực hiện được việc giao bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ thuộc kế hoạch năm 2014 cho các dự án, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2014.
Thứ năm, năng lực tài chính và năng lực thi công của một số nhà thầu còn chưa tốt nên cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của nhiều dự án. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư cũng còn một số vẫn đề tồn tại như: Công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án còn chậm so với quy định; công tác đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán chưa thực hiện ngay từ đầu năm nên ảnh hưởng đến việc giải ngân cho dự án.
Thứ sáu, do biến động của giá xăng dầu trong những tháng đầu năm 2014, cũng khiến cho một số công trình phải thực hiện phê duyệt điều chỉnh bổ sung dự toán, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB.
Như vậy, áp lực giải ngân đặt ra đối với hệ thống trong những tháng cuối năm sẽ rất lớn, KBNN đã có giải pháp gì để đảm bảo kiểm soát chi chặt chẽ, an toàn, đúng chế độ, thưa ông?
“Đến hẹn lại lên”, dự báo trước tình hình giải ngân vốn sẽ tập trung nhiều vào cuối năm, đặc biệt là hai tháng cuối năm, cho nên hệ thống KBNN đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát chi chặt chẽ, đúng chế độ của Nhà nước và tuyệt đối an toàn góp phần nâng cao hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN). Cụ thể:
Một là, phối hợp chặt chẽ với các Vụ thuộc Bộ Tài chính (Vụ Đầu tư, Vụ NSNN, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại) để có biện pháp tháo gỡ về cơ chính sách phát sinh trong thực tiễn; Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn trong hệ thống KBNN tiếp tục quán triệt, phổ biến đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đến từng cán bộ KBNN nói chung, cán bộ kiểm soát chi nói riêng về những quy định mới trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chi vốn đầu tư XDCB năm 2014.
Hai là, chỉ đạo cán bộ KBNN tận tình hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư trong việc hoàn tất các hồ sơ, thủ tục thanh toán vốn; quán triệt công chức trong thi hành công vụ phải chấp hành nghiêm quy định của Nhà nước, chấp hành và thực hiện đầy đủ quy trình nghiệp vụ. Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau”. Mặt khác, kiên quyết từ chối các khoản chi không đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn của nhà nước.
Ba là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể, KBNN đã chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm quy định về công khai quy trình, hồ sơ, thủ tục kiểm soát chi NSNN; tiếp tục rà soát, cập nhật, bổ sung mới đối với các thủ tục hành chính còn thiếu hoặc chưa phù hợp với quy định mới của nhà nước nhằm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư khi đến giao dịch tại KBNN.
Bốn là, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đối với cán bộ KBNN nói chung và cán bộ làm công tác kiểm soát chi nói riêng được tăng cường, đẩy mạnh nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong của mỗi cán bộ công chức.
Xin cảm ơn ông!