Quyết định 63/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất được thực hiện từ ngày 1/2.

Đây là chính sách có nhiều điểm mới vượt trội vì Nhà nước sẽ hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất khi họ có nhu cầu trong khoảng thời gian 5 năm, kể từ ngày có quyết định thu hồi đất.

Kinh phí hỗ trợ lấy từ nguồn đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm và được tính trong tổng kinh phí của dự án đầu tư, hoặc phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư được duyệt.

Người lao động bị thu hồi đất sẽ được hỗ trợ vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

Hiện, nhiều địa phương cũng đang tính đến việc ban hành các chính sách ưu đãi đối với người dân bị thu hồi đất.

Các chính sách này sẽ tạo thông thoáng, thuận lợi cho công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án tại hầu khắp các địa phương trong cả nước.

Trong tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhiều địa phương trong cả nước đã phải chuyển đổi một diện tích lớn đất sản xuất nông nghiệp sang đất công nghiệp, gây tác động rất lớn đến nguồn lực đất đai, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của người dân trong vùng.

Trong khi hầu hết các địa phương chưa có định hướng cụ thể tạo việc làm cho người dân bị mất đất sau thu hồi đất, đòi hỏi chính quyền các cấp, doanh nghiệp phải có kế hoạch hỗ trợ để người bị thu hồi đất ổn định cuộc sống, như chính sách tạo việc làm, các chính sách an sinh xã hội...

Vấn đề tạo việc làm cho người lao động sau khi bị mất đất sản xuất là rất cần thiết. Giải pháp này sẽ giúp những hộ bị thu hồi đất có thể lấy ngay tiền đền bù để góp vốn đầu tư vào các dự án được xây dựng trên đất của họ.

Đặc biệt, những chính sách này có thể được thực hiện trước khi tiến hành thu hồi đất để người lao động có thể chuyển đổi nghề nghiệp và chuyển đổi sinh kế một cách bền vững.

Thực tế cho thấy nếu chính quyền địa phương có những định hướng, quy hoạch kinh tế-xã hội cũng như quy hoạch sử dụng đất rõ ràng, doanh nghiệp có những hỗ trợ và chính sách ưu đãi đối với người lao động địa phương, các hộ gia đình chủ động trong việc chuyển đổi sinh kế thì người bị thu hồi đất sẽ nhanh chóng ổn định cuộc sống. Nhờ đó, công tác thu hồi đất để triển khai dự án cũng sẽ thuận lợi hơn, những khiếu kiện liên quan đến công tác thu hồi đất sẽ không còn là điểm “nóng.”

Đơn cử như dự án sân bay Long Thành. Theo kế hoạch được phê duyệt, diện tích đất của dự án là 5.000ha với 5.000 hộ dân trong vùng phải di dời cho dự án này, đồng nghĩa với hàng vạn người sẽ bị thu hồi đất và phải tìm kế sinh nhai phù hợp.

Để giải quyết bài toán này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đang lập phương án đào tạo nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án sân bay Long Thành, trong đó có mục tiêu ưu tiên tuyển dụng họ vào làm việc tại sân bay này.

Trước mắt, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã khảo sát, phân loại toàn bộ các loại đất trong vùng dự án từ đất ở, đất nông nghiệp, các công trình tôn giáo, các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Hiện, tỉnh đã thống kê được gần 5.000 hộ dân, phân loại từng ngành nghề, thu nhập của các hộ đang sinh sống, thăm dò, lấy ý kiến của toàn bộ người dân trong vùng dự án để định hướng đào tạo nghề cho từng hộ.

Trong phương án bồi thường, Đồng Nai cũng tính đến các chính sách bố trí việc làm, đào tạo nghề bởi chính quyền tỉnh đặt mục tiêu sau khi đến khu tái định cư có chỗ ở mới, người dân cần ổn định cuộc sống của họ.

Tỉnh đã làm việc với các trường dạy nghề ở tỉnh, tại các khu công nghiệp, hỏi ý kiến người dân muốn làm nghề gì để có hướng đào tạo, qua đó dự kiến sẽ đầu tư hai khu tái định cư và được 100% người dân ủng hộ.

Bởi xung quanh các khu tái định cư này có rất nhiều khu công nghiệp có thể cung cấp nhiều việc làm thuận lợi cho người dân, tiêu biểu như Khu công nghiệp Long Đức, Amata, Khu công nghiệp Nhơn Trạch…

Tỉnh Đồng Nai đang bắt tay xây dựng khung chính sách bồi thường. Do đây là dự án lớn, tầm quốc gia nên khung chính sách bồi thường sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với tỉnh soạn thảo, sau đó trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức đào tạo ngắn hạn cho người dân làm việc tại các khu công nghiệp địa phương, về dài hạn sẽ đào tạo để người dân có thể làm việc ngay trong các công trình sân bay Long Thành, đặc biệt là khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác sẽ cần lao động trong những ngành nghề gì để ngay từ bây giờ ưu tiên hướng nghiệp cho những người dân trong vùng dự án đi học, kịp thời cung cấp nguồn nhân lực khi sân bay đi vào khai thác.

Là một trong những địa phương có diện tích đất thu hồi lớn để triển khai các khu công nghiệp, khu kinh tế, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tích cực thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ người dân bị thu hồi đất cho các khu công nghiệp, dự án trọng điểm của tỉnh.

Riêng Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Dung Quất đã đào tạo nghề cho 138 lao động, giải quyết việc làm cho 150 lao động thuộc hộ bị thu hồi đất tại Bình Sơn, Sơn Tịnh.

Sắp tới Trung tâm sẽ thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp gồm trồng nấm, rau sạch và nuôi gà an toàn, chuyển đổi ngành nghề cho người dân trong diện thu hồi đất nhằm thực hiện Dự án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất./.

Văn Hào (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.