31/05/2015 11:50 AM
Hiện cả nước có bảy tỉnh, thành phố được đánh giá giàu tiềm năng phát triển kinh tế biển là Đà Nẵng, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang.Tại chính các vị trí “đắc địa” này vẫn tồn tại tình trạng lộn xộn trong quản lý dự án ven biển và gây ra nhiều bức xúc.

Tình trạng các công trình đầu tư xây dựng dàn trải, bám sát bờ biển, thiếu không gian công cộng dành cho cộng đồng, ô nhiễm môi trường sinh thái... đã trở nên phổ biến. Cùng đó, quy hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế dẫn tới tình trạng dự án "treo," gây lãng phí đất đai và ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội.

Thống kê từ bảy địa phương này cho thấy, có 780 dự án ven biển với tổng diện tích theo quy hoạch là 37.598ha. Tuy nhiên hiện mới có 455 dự án đã và đang triển khai với diện tích được phê duyệt theo quy hoạch đạt 12.769ha; trong khi vẫn còn tới 310 dự án chưa triển khai tương đương với diện tích được phê duyệt theo quy hoạch là 24.798ha.

Mặc dù số lượng dự án chưa thực hiện ít hơn số dự án đã và đang thực hiện nhưng diện tích đất tính theo quy hoạch được phê duyệt từ 310 dự án “đắp chiếu” lại cao gần gấp hai lần. Tình trạng chiếm đất giữ chỗ không chỉ làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư mà là lực cản đối với các nhà đầu tư khác khi tìm kiếm cơ hội.

Ngoài 15 dự án đã bị thu hồi có diện tích theo quy hoạch là 719ha thì số các dự án có khả năng bị thu hồi theo số liệu báo cáo của các địa phương tính đến hết năm 2014 là 267 dự án, tương ứng diện tích 19.757ha.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, những vấn đề tồn tại và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do buông lỏng công tác quản lý về các mặt quy hoạch, đầu tư, sử dụng đất. Trên thực tế, một số dự án chưa có phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 nhưng đã được phép đầu tư xây dựng dự án. Cùng đó, nhiều dự án không có chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể và quy hoạch bị điều chỉnh. Thậm chí, một số dự án không có quy hoạch chi tiết 1/2000 để khớp nối trong, ngoài của các dự án cũng như bố trí không gian công cộng, không gian vui chơi giải trí, cây xanh vườn hoa, khu tắm biển cho nhân dân, các tuyến đường đi xuống biển...

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh, thực trạng này khiến nơi thì thiếu, chỗ lại thừa làm các dự án bị điều chỉnh chức năng sử dụng hoặc bị chia nhỏ, gây lãng phí. Đặc biệt, quy hoạch sử dụng đất dọc tuyến ven biển chưa đảm bảo tính kết nối liên vùng nên khó phát huy được thế mạnh của khu vực ven biển. Trong khi đó, chất lượng lập, phê duyệt các quy hoạch, thẩm tra, thẩm định kế hoạch sử dụng đất còn thiếu đồng bộ; chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đất đai tại các dự án ven biển còn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các vi phạm vể sử dụng đất đai ven biển.

Ngoài việc chất lượng quy hoạch chưa cao thì tính dự báo và định hướng sử dụng đất đai, phát triển không gian chưa sát với thực tiễn phát triển tại khu vực ven biển. Quy hoạch xây dựng khu vực ven biển chưa được triển khai đồng bộ theo các cấp độ từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị đã ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan trong phạm vi dự án và toàn khu vực ven biển.

Mặt khác, hạ tầng khung kết nối dự án với các khu chức năng đô thị cũng chưa được chính quyền địa phương và chủ đầu tư phối hợp thực hiện như yêu cầu cấp nước, thoát nước, giao thông, điện… thiếu đồng bộ. Tại nhiều điểm, công trình công cộng, quảng trường, vườn hoa, khu vực bãi tắm công cộng, đường xuống biển của nhân dân, công trình tiện ích công cộng dọc tuyến ven biển không được quan tâm đầu tư quy hoạch, xây dựng, cải tạo.

Theo nhận định từ Bộ Xây dựng, việc các dự án ven biển trên địa bàn cả bảy tỉnh thành phố đều bị chậm chủ yếu là do thiếu nguồn lực, chính sách về quản lý đất đai, đầu tư còn chồng chéo. Trong khi đó, việc quản lý kiểm soát xử lý triển khai xây dựng chậm hoặc triển khai xây dựng cầm chừng, chưa triệt để.

Các sai phạm thường gặp gồm thiếu thuế đất, cấp ưu đãi đầu tư không đúng quy định, xác định tiền thuê đất chưa phù hợp, sử dụng sai mục đích, giải tỏa đền bù tái định cư cho người dân chưa đúng quy định. Bên cạnh đó, công tác đấu thầu còn “bỏ lọt” khiến nhà đầu tư năng lực tài chính yếu nhưng vẫn được giao thực hiện dự án có quy mô lớn.

Để khắc phục các bất cập hiện nay, Bộ Xây dựng đã đề nghị Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý đầu tư xây dựng phát triển các dự án ven biển. Đã đến lúc công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai dự án ven biển trở thành nhiệm vụ trọng tâm không chỉ là chuyện riêng của địa phương mà còn cần cả sự tham gia của các bộ, ngành.

Trong đó, việc rà soát và thực hiện quy hoạch sẽ phải gắn liền với quản lý hiệu quả các dự án phát triển đô thị trước và sau khi đầu tư. Điều này được kỳ vọng sẽ phát huy tối đa tiềm năng kinh tế biển./.

Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.