28/01/2013 8:30 PM
Tới thời điểm này, việc giải cứu thị trường bất động sản (BĐS) được coi là chuyện mà Chính phủ cần làm và phải làm để tránh nguy cơ khủng hoảng lây lan ra cả nền kinh tế. Tuy nhiên, “giải cứu thế nào” lại là một câu hỏi khó chưa có lời giải đáp.

Kể từ khi thị trường nhà đất lao dốc hồi cuối năm 2008 và tiếp tục duy trì tình trạng ảm đạm trong những năm sau đó, hàng trăm cuộc hội thảo, diễn đàn, nghiên cứu khảo sát, báo cáo đã được thực hiện nhằm tìm lối thoát cho thị trường này. Nhiều ý tưởng, sáng kiến đã được các hiệp hội BĐS, cơ quan quản lý và các chuyên gia đề xuất với mong muốn tháo gỡ khó khăn cho cả chủ đầu tư và khách hàng đang mắc kẹt trong hàng nghìn dự án dang dở.

Tuy nhiên, tới thời điểm này thì thị trường BĐS vẫn im lìm. Thậm chí, tình hình còn tồi tệ hơn khi danh sách doanh nghiệp BĐS buộc phải đóng cửa ngày càng dài ra. Chỉ tính riêng trong năm 2012 đã có gần 700 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng mạnh so với năm trước đó. Kéo theo đó là khả năng thu hồi 3 - 4 trăm nghìn tỷ đồng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này của các ngân hàng thương mại ngày càng thấp.

Điều đáng lo ngại là không chỉ ngân hàng mà nhiều ngành kinh tế khác như xây dựng, vật liệu xây dựng (xi măng, sắt thép, các loại đá, cát…), điện, nước, đồ nội thất… cũng đang trong tình trạng điêu đứng và có nguy cơ “chết” theo BĐS.

Chính bởi sự cấp thiết ấy mà trong những ngày gần đây, Chính phủ và các bộ, ngành liên tục xúc tiến các chương trình, kế hoạch giải cứu thị trường nhà đất với kỳ vọng thị trường này sẽ phục hồi và kéo các ngành kinh tế khác tăng trưởng trở lại.

Thế nhưng, vấn đề then chốt là “giải cứu thế nào” thì lại chưa có câu trả lời thỏa đáng. Trong số các ý kiến đã được đưa ra, đáng chú ý là đề xuất bơm đến 200.000 tỷ đồng vào thị trường này của Ngân hàng Nhà nước. Đề xuất này lại vấp phải nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng việc bơm một khoản tiền lớn có khả năng sẽ đẩy lạm phát tăng trở lại, gây ảnh hưởng và xáo trộn nền kinh tế. Hơn nữa, việc bơm tiền vào thị trường BĐS không thể giải quyết tận gốc vấn đề là nguồn cung của thị trường này đang vượt quá xa so với nhu cầu thực tế.

Bởi thế, một kế hoạch giải cứu không dùng tiền mặt được xem là mục tiêu lớn nhất trong thời điểm này. Chỉ có điều việc tìm ra kế hoạch đó lại là điều không hề dễ dàng bởi trong một thời gian tương đối dài, hàng nghìn dự án BĐS đã được cấp phép ồ ạt mà không có quy hoạch tổng thể khiến nguồn cung không những vượt quá xa mà còn không phù hợp với nhu cầu thực tế. Trong khi người dân, đa phần người lao động có thu nhập trung bình và thấp cần các căn hộ có diện tích vừa phải thì các doanh nghiệp BĐS lại quá chú trọng xây dựng hàng loạt căn hộ sang trọng, biệt thự hay nhà liền kề với mức giá trên trời. Vì vậy, dù các sản phẩm ế thừa này đã hạ giá xuống còn một nửa so với giai đoạn đỉnh điểm của năm 2008 vẫn không có người mua.

Do đó, giảm diện tích các căn hộ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng cũng là một biện pháp được đề cập. Việc giảm diện tích đồng nghĩa với số lượng dân cư sinh sống trong khu vực dự án đó sẽ bị tăng mạnh so với thiết kế ban đầu, ảnh hưởng trực tiếp tới cơ sở hạ tầng và chất lượng đời sống người dân nên cần được cân nhắc và tính toán cụ thể hơn. Hơn nữa, việc làm này, nếu thực hiện cũng mới chỉ đáp ứng được một phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, không đủ sức để giải cứu toàn bộ thị trường BĐS bởi nguồn cung của thị trường nhà đất dư thừa đến mức được xem là đã đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân tới năm 2050.

Trong khi đó, các kế hoạch chuyển đổi chức năng khu chung cư, căn hộ thành trường học, bệnh viện nhằm giảm tải cho các công trình phục vụ dân sinh này cũng không được xem là biện pháp tối ưu và nhiều khả năng sẽ không được thực thi.

Như vậy, các cơ quan quản lý vẫn bế tắc trong việc tìm lối thoát cho BĐS trong khi lĩnh vực này đang trở thành gánh nặng nghiêm trọng, kéo lùi sự phát triển của cả nền kinh tế.

Đỗ Hà (Nông nghiệp Việt Nam)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.