Địa phương phải có định hướng phát triển nhà ở
Buổi họp có sự tham dự đầy đủ của các thành viên Ban Soạn thảo, Ban Biên tập Nghị định là đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương: Xây dựng, Quốc phòng, Công an, Tư pháp, KH&ĐT, Tài chính, TN&MT, Ngoại giao, LĐTB&XH, Ngân hàng Nhà nước, TP.HCM và Hà Nội.
Mặc dù đây là cuộc họp đầu tiên có mặt đầy đủ các thành viên trong Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị định này, nhưng Nghị định đã được Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS - đơn vị được Chính phủ và Bộ Xây dựng giao là đầu mối trực tiếp chủ trì xây dựng nghị định, chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng và đã dự thảo đến lần thứ 3.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Tổ trưởng Tổ Biên tập nghị định, có 4 nghị định để hướng dẫn một số điều của Luật Nhà ở, trong đó nghị định lớn nhất và quan trọng nhất sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở.
Theo dự thảo Tờ trình nghị định của Ban Soạn thảo, dự thảo Nghị định gồm 8 chương, 77 điều quy định cụ thể các nội dung liên quan đến sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở quy định tại Luật Nhà ở.
Một số nội dung không được điều chỉnh trong nghị định lần này như: Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, quản lý nhà ở xã hội không thuộc sở hữu nhà nước, cải tạo, xây dựng chung cư cũ, xây dựng hệ thống, cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhà ở, sẽ được thực hiện theo các nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, nghị định về phá dỡ, cải tạo và xây dựng lại nhà chung cư, nghị định về xây dựng, cung cấp thông tin về nhà ở và thị trường BĐS và nghị định về xử phạt vi phạm hành chính.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS trình bày các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định trước Ban Soạn thảo và Tổ Tư vấn. Theo đó, dự thảo nghị định đã quy định rõ các nội dung như đối tượng và phạm vi điều chỉnh, các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà ở chung cư, xây dựng và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương.
Cụ thể, dự thảo nghị định đã quy định nghiêm cấm một số hành vi như: sử dụng căn hộ không vào mục đích ở, gây ồn quá mức, chăn thả gia súc… nhằm bảo đảm cho việc sử dụng nhà chung cư an toàn, đúng mục đích và công năng thiết kế.
Theo dự thảo, các Sở Xây dựng địa phương chịu trách nhiệm xây dựng và trình UBND cấp tỉnh để trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi phê duyệt và triển khai chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại địa phương, nhằm mục đích để địa phương có định hướng, kế hoạch phát triển các loại nhà ở, khắc phục tình trạng phát triển nhà ở tự phát, mang tính phong trào gây mất cân đối trong thời gian qua.
Cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà không quá 50 năm
Ngoài ra, dự thảo nghị định còn quy định các nội dung về sở hữu nhà ở, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, quản lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, giao dịch về nhà ở và sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Đối với việc phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư, dự thảo nghị định quy định việc đầu tư xây dựng loại hình nhà ở này theo các hình thức như: Nhà nước trực tiếp đầu tư, Nhà nước đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại hoặc chủ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp xây dựng nhà ở để phục vụ tái định cư.
Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở căn cứ vào nguồn vốn đầu tư theo hướng, đối với vốn đầu tư công thì Sở Xây dựng báo cáo UBND cấp tỉnh quyết định, đối với dự án xây dựng nhà ở phục vụ dự án quan trọng quốc gia thì Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ lựa chọn.
Việc huy động vốn cho phát triển nhà ở phục vụ tái định cư thông qua các hình thức quy định của Luật Nhà ở, nếu nguồn vốn đầu tư công thì theo pháp luật đầu tư công và ngân sách, nếu từ Quỹ phát triển đất hoặc từ tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư thì thực hiện theo quy định của UBND tỉnh.
Dự thảo nghị định quy định, đối với cá nhân nước ngoài phải có hộ chiếu đóng dấu nhập cảnh của cơ quan xuất nhập cảnh Việt Nam và không thuộc diện miễn trừ ngoại giao, lãnh sự. Đối với tổ chức nước ngoài phải có Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ chứng minh được phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực.
Các bộ: Quốc phòng, Công an xác định cụ thể các khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại và thông báo của UBND cấp tỉnh công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
Số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép mua và sở hữu, đối với nhà chung cư không được phép mua quá 30% tổng số căn hộ tại một tòa nhà, hay nhóm tổ hợp nhiều tòa nhà, đối với nhà riêng lẻ không được mua vượt quá 10% số lượng nhà ở tại một dự án nhưng tối đa không vượt quá 250 căn.
Chỉ được gia hạn thêm một lần sở hữu tối đa không quá 50 năm nếu là cá nhân và không quá thời hạn được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nếu là tổ chức.
Ngoài các nội dung trên, dự thảo cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nhà ở để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và đặc biệt là đảm bảo mọi nhu cầu về nhà ở của người dân được đáp ứng đầy đủ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa trên cơ sở lấy ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân bằng văn bản cũng như thư điện tử tại Cổng thông tin của Bộ Xây dựng.