Bị thu hồi đất từ năm 2005, hàng trăm hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án Khu thương mại Bình Điền (phường 7, quận 8, TPHCM) vẫn chật vật sống tạm cư trong những túp lều nhỏ để chờ nền tái định cư suốt gần 8 năm qua. Song, để được tái định cư, người dân nghèo bị “ép” phải đóng thêm số tiền chênh lệch lên đến hàng trăm triệu đồng/nền. Được biết, dự kiến ngày 30-6, dự án Trung tâm thương mại (TTTM) Bình Điền giai đoạn 2 sẽ có nền đất hoàn chỉnh hạ tầng để giao cho dân.

Chờ đợi gần 8 năm

Cách dự án Khu thương mại Bình Điền không xa, nơi tạm cư của hàng trăm hộ dân là một xóm trọ sụp xệ, hoang tàn. Theo ghi nhận, cuộc sống của hầu hết người dân nơi đây rất khó khăn, người nghèo khó thuê trọ ở, người khá giả thuê đất cất nhà tạm.

Nhìn những căn nhà tạm bợ vách đất, mái lá xiêu vẹo, dột nát do ảnh hưởng bởi cơn bão số 1 vừa qua, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Ông Cường, một hộ dân bị thu hồi đất chua xót kể khi Nhà nước có chủ trương thực hiện dự án, ông đã di dời bàn giao mặt bằng theo thỏa thuận hoán đổi nền tái định cư.

Theo lời hứa của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), 1 năm sau sẽ có nền nhưng ông đã kiên nhẫn đợi suốt 8 năm mà nền tái định cư vẫn còn nằm trên giấy.

Cùng hoàn cảnh như ông Cường, cuộc sống gia đình anh Nguyễn Công Phụng cũng không kém phần bi đát. Với anh, tìm một chỗ đàng hoàng cho vợ con là cả một vấn đề khi tiền trọ cứ tăng vùn vụt trong khi thu nhập chẳng đáng là bao.

Được biết, số tiền anh Phụng được nhận hỗ trợ tạm cư từ đó đến nay vẫn duy trì 300.000 đồng/người/tháng. Với số tiền này thậm chí không đủ chi phí tiền điện, nước mà anh Phụng phải trả theo giá bán kinh doanh. “Mới đây, tôi thuê một mảnh đất (1,5 triệu đồng/tháng) cất căn nhà tạm che mưa, che nắng mà không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh này” - anh Phụng chua xót.

Để rồi đóng thêm tiền chênh lệch

Chưa hết bức xúc vì chủ đầu tư “treo” nền tái định cư quá lâu, cách nay khoảng 5 tháng, người dân còn bị choáng váng khi nhận được bảng chiết tính đền bù của Ban GPMB quận 8 đề nghị mỗi hộ dân phải đóng thêm tiền đất tái định cư từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Điển hình, trường hợp của bà Nguyễn Thị Sáu (trước đây bị giải tỏa nhà số 126A đường Rạch Cát Bến Lức, phường 7, quận 8) bàn giao 300m2 đất ở và được hoán đổi ngang 300m2 đất nền tái định cư.

Nhưng bảng chiết tính đền bù năm 2011, Ban GPMB quận 8 cho rằng 300m2 đất ở của bà chỉ có giá 450 triệu đồng, còn 300m2 đất tái định cư của chủ đầu tư có giá 730 triệu đồng. Như vậy, bà Sáu phải đóng thêm tiền chênh lệch là 280 triệu đồng.

Ngoài ra, đối với những hộ dân bốc thăm trúng nền đối diện công viên, chợ… còn phải đóng thêm từ 15-20% tiền “nền đẹp”. Nhiều hộ dân bức xúc, dự án làm chậm khiến dân sống tạm cư kéo dài, đáng lẽ đơn vị thực hiện dự án phải bồi thường thiệt hại. Thay vào đó họ lại ép dân nghèo đóng thêm tiền là không công bằng.

Trước đây, khi đưa ra bảng chiết tính chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân, Ban GPMB quận 8 đã căn cứ phương án đền bù số 885 ban hành ngày 11-3-2004. Còn hiện nay giá đất tái định cư của chủ đầu tư được căn cứ vào phương án đền bù số 7169 ban hành ngày 15-12-2004. Một dự án lại có 2 phương án bồi thường là điều khó chấp nhận.

Nhà nước sẽ hỗ trợ?

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND quận 8 Nguyễn Hồ Hải, cho biết phương án bồi thường cho dự án tái định cư Khu thương mại Bình Điền được Sở Tài chính thẩm định và UBND TP phê duyệt. Trong đó, nội dung nêu rõ: một là nhận tiền, hai là đất ở đổi đất ở với giá trị tương đương chứ không đổi ngang.

Cụ thể, theo giá bồi thường và giá đất tái định cư được TP phê duyệt: Đối với đất vị trí chỗ ở cũ, giá bồi thường không mặt tiền là 1,5 triệu đồng/m2 và mặt tiền đường Hoàng Đạo Thúy là 2 triệu đồng/m2.

Đối với giá đất tái định cư, đất mặt tiền đường rộng từ 12-30m có giá từ 2,3-3 triệu đồng/m2. Giá trị đất ở nơi ở cũ nhỏ hơn giá trị đất ở được tái bố trí theo quy hoạch nơi ở mới (hạ tầng hoàn chỉnh, gần TTTM - PV), do đó số tiền chênh lệch người dân bù vào cho chủ đầu tư để nhận nền tái định cư cao nhất là 360 triệu đồng, hộ thấp nhất là 21 triệu đồng.

Theo ông Hải, đây là dự án đầu tiên của cả nước thực hiện hoán đổi đất ở, nhằm mục đích tạo điều kiện di dời 10 ngôi chợ ra chợ đầu mối trên địa bàn quận. Nếu so sánh với các dự án khác trên địa bàn TPHCM, người dân trong dự án này có lợi nhiều nhất. Đất nền tái định cư người dân chỉ đóng 2,3-3 triệu đồng/m2 trong khi giá thị trường cao hơn rất nhiều. Tuy vậy, lỗi của cơ quan nhà nước là giao nền chậm nên thiệt thòi thuộc về người dân.

Thêm vào đó, thị trường BĐS đóng băng đã khiến giá trị đất nền tái định cư ở khu vực này giảm xuống. Thấu hiểu được khó khăn của người dân, tới đây UBND quận 8 sẽ kiến nghị TP tìm hướng giải quyết khiếu nại của người dân về việc đóng tiền chênh lệch. Theo đó, TP sẽ quyết định Nhà nước hỗ trợ hay người dân bù khoản giá trị chênh lệch cho chủ đầu tư.

Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tham gia nhóm chat mua bán dự án