Về dự án Metro ở Tp.HCM, trong khi những chỉ đạo của Chính phủ còn chưa được thực hiện nghiêm túc thì các cấp chính quyền tiếp tục lái sự việc sang chiều hướng khác bằng cách đưa ra một bản báo cáo sai trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Bản đồ tổ chức không gian ngầm tuyến Metro 1
Báo cáo sai... sự thật

Báo cáo số 1460/UBND-ĐTMT ngày 5-4-2010 của UBND Tp.HCM do ông Nguyễn Thành Tài ký gửi Thủ tướng Chính phủ bị người dân khiếu nại vì nó sai sự thật 100%. Ý kiến của ông Nguyễn Văn Bắc số nhà 4B3, đường Ngô Văn Năm, phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đại diện cho các hộ dân bị buộc phải giải toả trắng, nêu rõ:

Về nội dung tại báo cáo 1460: “Các ý kiến của công ty tư vấn, chuyên gia người Nhật, Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải đều chưa khẳng định khi thi công ngầm sẽ không xảy ra sự cố lún sụp các công trình trên mặt đất, làm thiệt hại tính mạng và tài sản của người dân và an toàn tuyệt đối khi công trình đưa vào sử dụng…” là thiếu bằng chứng. Bởi đã có tới 7 đơn vị gồm: Bộ GTVT, Nhà thầu tư vấn Otanabe (Nhật Bản), Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT), Viện Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), nhà thầu tư vấn thiết kế TEDISOUTH (Nhật Bản), Ban quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM, Sở giao thông công chánh Tp.HCM từng thừa nhận không cần phải giải tỏa mặt bằng khi làm tuyến tàu điện ngầm (metro) Bến Thành - Suối Tiên.

Nội dung báo cáo viện dẫn “chưa có kinh nghiệm thi công công trình tàu điện ngầm, bảo đảm an toàn công trình trên mặt đất”, “thực tế đã có lún sụp tại chung cư Nguyễn Siêu, cao ốc 55-57 Đồng Khởi… phường Bến Nghé, gần sông Sài Gòn địa chất yếu và phức tạp, không bảo đảm an toàn…” và dựa vào đó để khẳng định việc phải giải tỏa trắng là nặng tính suy diễn, không đủ cơ sở khoa học, không thuyết phục. Bởi vì:

Khẳng định của nhà thầu tư vấn, chuyên gia Nhật Bản (2 lần), công văn của Viện Khoa học Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) như trên đã dẫn, đều 2 lần khẳng định: “Việc giải toả và phá bỏ một số nhà dân khi thi công hầm về mặt kỹ thuật đơn thuần là không cần thiết” và “để bảo đảm tuyệt đối an toàn, các hộ dân có nhà nằm trên đường hầm cần được sơ tán trong quá trình thi công…”.

Theo GS. TSKH. Nguyễn Văn Quảng, một chuyên gia nghiên cứu về các công trình ngầm hàng đầu ở Việt Nam, người đã có tài liệu khảo sát địa chất công trình sơ bộ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ở đây đều có điều kiện để xây dựng métro, tuy có chỗ thì thuận lợi, có nơi thì khó khăn, nhưng đều có thể xây dựng được các công trình ngầm. Chỗ thuận lợi thường ở những vùng đất cao, có đất tốt, nơi khó khăn ở những vùng đất thấp nằm ven sông, có đất yếu, mực nước ngầm cao.

Bên lề hội thảo “Các công trình xây dựng có phần ngầm-bài học từ các sự cố và giải pháp phòng chống” được tổ chức ở Tp.HCM năm 2008, Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng Tp.HCM từng trả lời báo chí: “Công nghệ xây dựng tiên tiến hiện nay đã làm được rất nhiều điều kỳ diệu. Đó là những đường hầm xuyên biển, xuyên núi dài hàng chục kilômét… cùng rất nhiều những thành phố “ngầm” đông vui không kém trên mặt đất. Một khi đã vận dụng được công nghệ tiên tiến, có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chất lượng thiết kế, xây dựng tốt thì mọi khó khăn đều có thể có phương án giải quyết, không lo ảnh hưởng đến các công trình trên mặt đất”.

Các nhà khoa học đều khẳng định ở Tpp.HCM có thể xây dựng tàu điện ngầm và bảo đảm an toàn tuyệt đối. Hiện nay, Tp.HCM chưa quy hoạch không gian ngầm, cũng chưa có đánh giá hiện trạng không gian ngầm, địa chất ngầm nên ý kiến của UBND Tp.HCM rõ ràng nặng về cảm tính, không có cơ sở khoa học.

Ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại công văn số 272/VPCP-KNTN ngày 29-4-2008 còn yêu cầu “báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 6-2008” nhưng trên thực tế, báo cáo của UBND Tp.HCM chậm gần 3 năm so với chỉ đạo của Phó thủ tướng. Chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại công văn số 5532 ngày 9-8-2010 với nội dung: “UBND Tp.HCM cần giải thích rõ để tạo được sự đồng thuận của các hộ dân bị thu hồi đất sử dụng vào mục đích công cộng và giải quyết các kiến nghị chính đáng của các hộ dân theo quy định của pháp luật” đến nay tiếp tục bị UBND... bỏ quên.

Tiếp tục "ép" dân vội vàng?

Chiều 23-9-2010, UBND Quận 1 tổ chức cuộc họp “Tiếp xúc vận động và triển khai thông báo số 2201/UBND-BBT ngày 21-9-2010 của UBND quận 1 về việc thông báo kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của các hộ dân thuộc dự án đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên chấp hành di dời”.

Tuy vậy nhưng nhiều hộ dân tại đây phản ánh: “Chúng tôi nhận thấy cuộc họp không hề mang tinh thần “tiếp xúc vận động” mà chỉ đơn thuần thông tin kết quả phản ánh việc giải quyết 4 nội dung kiến nghị của các hộ dân trong dự án kèm theo việc áp đặt các hộ dân phải di dời”.

Tại cuộc họp 15/15 hộ dân tiếp tục khiếu nại việc thu hồi đất, yêu cầu các hộ dân di dời. Tuy nhiên, ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND Quận 1 ngoài việc đọc thông báo chỉ giải thích thêm rằng “văn bản trả lời của UBND Quận 1 được trích y nguyên văn báo cáo của UBND Thành phố giải trình Chính phủ”.

UBND Tp.HCM đến nay vẫn chưa thực hiện nghiêm túc và đầy đủ chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng mà chỉ dựa vào văn bản chỉ đạo số 5532 của Phó thủ tướng để thực hiện “một vế” của công văn. Hai vấn đề quan trọng: “UBND Tp.HCM cần giải thích rõ để tạo được sự đồng thuận của các hộ dân bị thu hồi”và giải quyết các kiến nghị chính đáng của dân” đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Ngày 13-10-2010, UBND Quận 1 tiếp tục ra quyết định 3729/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất với các hộ dân khiến dư luận không khỏi hoang mang, bất bình. Sau một tháng kể từ khi có chỉ đạo có Phó thủ tướng, chỉ với một cuộc họp kiểu độc thoại không thể gọi đó là cách vận động, giải thích, tạo sự đồng thuận mà là cách làm thiếu trách nhiệm, qua loa đại khái, không chỉ coi thường quyền lợi chính đáng của dân mà còn coi thường chỉ đạo của Chính phủ. Thiết nghĩ, UBND Tp.HCM cần phải xem lại vấn đề này.
Cafeland.vn - Theo Tamnhin
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland
Tham gia nhóm chat mua bán dự án