Khu đất Lê Thị Hồng Gấm, Calmette, Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính được giải tỏa mặt bằng.
Áp lực lớn
Dự án khu tứ giác Bến Thành (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM) tiếp giáp với 4 tuyến đường: Lê Thị Hồng Gấm, Calmette, Phạm Ngũ Lão, Phó Đức Chính. 5 năm trước đây, nơi này vẫn còn là khu dân cư kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ, có cả nhà hàng lớn như Vân Cảnh… Thực hiện chủ trương chỉnh trang đô thị, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế ở trung tâm TP, khu vực này được quy hoạch và giao cho một chủ đầu tư triển khai dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ ở. Năm 2007, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng được tiến hành…
Qua khảo sát, toàn dự án có 114 hộ dân và 12 tổ chức kinh tế phải di dời với diện tích đất thu hồi hơn 8.600m2. “Cũng giống nhiều dự án khác đã thực hiện trên địa bàn quận 1 như: dự án nâng cấp, cải tạo khách sạn Rex, dự án giải tỏa khu tứ giác Eden hay ITC…, đặc trưng khu vực trung tâm TP là số lượng dân trong dự án giải tỏa không nhiều nhưng đất lại có giá trị lớn nên người dân lúc nào cũng bức xúc về đơn giá bồi thường. Đây là một trong những khó khăn lớn trong công tác giải phóng mặt bằng”, một cán bộ làm công tác bồi thường quận 1 chia sẻ.
Trong khi đó, yêu cầu của Quận ủy quận 1 trong công tác giải phóng mặt đối với tất cả dự án trên địa bàn quận là phải đảm bảo tiến độ, không tạo “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự và đặc biệt phải hạn chế tối đa cưỡng chế. Riêng ở dự án khu tứ giác Bến Thành này, càng áp lực hơn đối với quận khi dự án triển khai trong giai đoạn nền kinh tế hết sức khó khăn, đặc biệt là trong những năm 2010-2011, lãi suất vốn vay ngân hàng rất cao nên một ngày dự án chậm di dời thì làm ảnh hưởng không nhỏ về vốn vay của doanh nghiệp.
Dân nhắn tin cũng phải trả lời
Lãnh đạo quận xác định rõ: Việc giải phóng mặt bằng không phải chỉ là trách nhiệm của UBND quận mà của cả hệ thống chính trị. Do vậy, cả hệ thống chính trị quận tham gia, thể hiện trách nhiệm vào công việc chung này. Ngay cả việc vận động đối tượng di dời cũng được chia ra rõ ràng. Cán bộ thì vận động cán bộ, đảng viên, gia đình chính sách; mặt trận, đoàn thể cùng chung tay… Chủ trương, chính sách đền bù giải tỏa chắc chắn phải công khai rõ ràng, minh bạch trước dân.
Ngoài nắm rõ chủ trương, chính sách chung thì mỗi thành viên làm công tác dân vận phải hiểu rõ từng hoàn cảnh của người dân, hộ dân để khi dân hỏi, dân chất vấn, dân đối thoại thì cán bộ không ú ớ mà phải trả lời ngay, thậm chí giải thích cặn kẻ cho dân hiểu hơn.
“Chỉ nói chuyện cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn do phải di dời chỗ ở cũng đã là một trong những khó khăn lớn của dân nên khi dân bức xúc cán bộ phải đồng hành những bức xúc của dân. Lúc đó, có khi chủ tịch, phó chủ tịch quận một tuần phải tiếp dân đến mấy lần. Dân điện thoại cũng phải nghe, dân nhắn tin cũng phải trả lời dù bất cứ lúc nào”, Chủ tịch UBND quận 1 Trần Vĩnh Tuyến nhớ lại. Và, mỗi hộ dân là mỗi bộ hồ sơ riêng để tính pháp lý được đảm bảo chặt chẽ. Quan trọng hơn hết, chủ đầu tư phải biết hỗ trợ từng hoàn cảnh riêng của người dân.
“Nếu chính quyền không vận động chủ đầu tư chia sẻ với khó khăn của từng hoàn cảnh thì không thể nào công tác di dời, giải phóng mặt bằng được hoàn tất”, Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến khẳng định.
Vấn đề cốt lõi cuối cùng, trường hợp dân không đồng ý với chính sách, đơn giá bồi thường, muốn khiếu nại ra tòa thì trách nhiệm của chính quyền phải hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục này nhằm đảm bảo dân chủ, tránh việc người dân cảm thấy không công bằng hoặc bị chèn ép, nếu chính quyền sai, chính quyền phải chịu trách nhiệm, thậm chí nhận lỗi trước dân.