Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ khá nhanh.
Diện mạo đô thị, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, hiện đại, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao. Trong giai đoạn tới, để đạt được các yêu cầu phát triển hài hòa trên toàn địa bàn Thủ đô, giảm sức ép cho đô thị trung tâm, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung và khu vực ngoại thành nói riêng, việc phát triển các đô thị vệ tinh (ĐTVT) là bước đi tất yếu của Hà Nội.
Thuận lợi đi kèm thách thức
Phát triển ĐTVT là hướng đi đúng đắn để giải quyết bất cập giữa việc gia tăng tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ dân thành thị nhưng đảm bảo kiểm soát dân số đô thị trung tâm, hạn chế phát triển dân số khu vực nội đô.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, mục tiêu đến giai đoạn năm 2020 - 2030, dân số thành thị khoảng 6 - 6,2 triệu người, nông thôn khoảng 2,8 - 2,9 triệu người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68% và khống chế được sự gia tăng dân số trong nội đô.
Tuy nhiên, giai đoạn 2011 - 2015, dân số khu vực trung tâm Hà Nội vẫn tiếp tục tăng cao. Trước thực tế này, việc xây dựng các ĐTVT với quy mô tổng dân số khoảng 1,3 triệu người, cùng hàng chục khu đô thị mới là một giải pháp cần thiết.
Một góc huyện Sóc Sơn, nằm trong quy hoạch khu đô thị vệ tinh. Ảnh: Phạm Hùng
Quy hoạch chung xây dựng của 4/5 ĐTVT là Xuân Mai, Phú Xuyên, Sơn Tây và Sóc Sơn đã được phê duyệt (ĐTVT Hòa Lạc đã xong dự thảo quy hoạch, đang chờ ý kiến các Bộ để trình phê duyệt đồ án), làm cơ sở cho việc triển khai các quy hoạch tiếp theo và tạo cơ hội cho các ĐTVT thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, sự hội nhập sâu rộng của Hà Nội nói riêng sẽ tạo điều kiện thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, trong đó có đầu tư vào các ĐTVT. Hệ thống hạ tầng khung giao thông đang dần được hoàn thiện, kết nối đô thị trung tâm với các ĐTVT và từ ĐTVT đến các tỉnh là cơ hội tốt để các ĐTVT phát triển.
Có thể ví dụ như ĐTVT Sóc Sơn nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô, kết nối với đô thị trung tâm qua tuyến quốc lộ 3, đường cao tốc Thăng Long - Nội Bài và đường Võ Nguyên Giáp; thông thương thuận tiện với các tỉnh qua việc kết nối thuận lợi với các tuyến đường quốc lộ 18, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cao tốc Hà Nội - Lào Cai…
Mặc dù đã có 4 ĐTVT được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng, nhưng hệ thống quy hoạch của các ĐTVT vẫn chưa đủ cơ sở để xây dựng, phát triển các ĐTVT. Trong đó, quan trọng nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các ĐTVT vì đây là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá đúng động lực phát triển các ĐTVT.
Hiện nay, Hà Nội còn nhiều lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư từ nguồn ngân sách như giáo dục, y tế, hạ tầng kỹ thuật… việc cân đối ngân sách hàng năm cho các ĐTVT rất khó khăn. Trong điều kiện tỷ lệ điều tiết từ ngân sách T.Ư cho Hà Nội giảm từ 42% xuống 35% vào năm 2017, thì vấn đề cân đối ngân sách đòi hỏi phải có biện pháp khả thi để huy động nguồn vốn từ xã hội, từ các DN lớn phục vụ phát triển ĐTVT. Khi hệ thống quy hoạch, hệ thống hạ tầng khung chưa hoàn thiện, việc thu hút các nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó khăn.
Muốn giảm áp lực phải có ưu tiên
Ưu tiên xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của các ĐTVT, trong đó chú ý các giải pháp thu hút dân cư đảm bảo điều kiện sống và có thu nhập tốt ngay tại các ĐTVT. Các quy hoạch chi tiết cần được xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo đủ quỹ đất cho hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Thiết kế quy hoạch xen kẽ giữa khu làm việc và khu ở để thuận lợi trong giao thông của người lao động, đảm bảo hệ thống giao thông công cộng thuận lợi đối với các nhóm yếu thế trong xã hội.
Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển đối với từng ĐTVT. Tổ chức công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch này để các địa phương, tổ chức, DN và Nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin, chủ động tham gia phối hợp. Cùng với đó là phải giao trách nhiệm cho chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ, đảm bảo không phá vỡ quy hoạch, sử dụng đất sai mục đích…
Đồng thời, nâng cao nhận thức, thống nhất về vai trò, vị trí, chức năng của các ĐTVT trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Từ đó có biện pháp quyết liệt chuyển định hướng đầu tư ra ngoại thành, ưu tiên cho các ĐTVT. Trong đó các nguồn lực xã hội đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là từ các DN lớn, nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn lực của Nhà nước chủ yếu giữ vai trò dẫn dắt, tạo cơ sở hạ tầng thiết yếu…
Nhanh chóng xây dựng mô hình quản lý Nhà nước đối với các ĐTVT. Theo quy hoạch, địa giới hành chính ĐTVT Phú Xuyên gồm toàn bộ huyện Phú Xuyên; địa giới hành chính của 4 ĐTVT còn lại không trùng khớp với địa giới hành chính của các đơn vị quản lý hành chính hiện có (đô thị Sóc Sơn bao gồm thị xã Sóc Sơn, 1 xã và 1 phần của một số xã thuộc huyện Sóc Sơn; đô thị Sơn Tây bao gồm toàn bộ thị xã Sơn Tây và 1 xã của huyện Ba Vì; đô thị Xuân Mai gồm thị trấn Xuân Mai và 4 xã thuộc huyện Chương Mỹ; đô thị Hòa Lạc bao gồm một số xã của huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai).
Theo quy định hiện hành, ĐTVT Hòa Lạc và Phú Xuyên có thể đáp ứng được điều kiện về diện tích và dân số để trở thành TP trực thuộc Hà Nội; nhưng 3 ĐTVT còn lại là Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây không đáp ứng được yêu cầu này.
Như vậy, vấn đề xác định các ĐTVT phát triển theo mô hình TP hay quận, huyện và đi theo đó là mô hình (cấp) chính quyền phù hợp cần phải tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong và ngoài nước.
Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước là đẩy mạnh CCHC, tinh giảm đầu mối, tăng cường phân cấp cho chính quyền cơ sở, thì không nên hình thành bộ máy quản lý – cấp chính quyền mới - mà nên giao trách nhiệm cho chính quyền cấp huyện triển khai thực hiện quy hoạch các ĐTVT. Trong quá trình phát triển, bộ máy chính quyền sẽ dần được kiện toàn, nâng cao trình độ, đáp ứng đầy đủ yêu cầu quản lý đối với ĐTVT.
Xây dựng và triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển các ĐTVT. Trong đó lưu ý phát huy vai trò điều phối của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; triển khai cơ chế hợp tác, phối hợp giữa Hà Nội với các địa phương lân cận để đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các tỉnh, thành, khu vực, cùng khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế, tránh việc cạnh tranh thu hút đầu tư, cạnh tranh phát triển; đồng thời tăng cường sự liên kết, hỗ trợ qua lại giữa ĐTVT của Hà Nội với các đô thị của các tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả phát triển.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi trong ĐTVT và giữa ĐTVT với đô thị trung tâm là điều kiện tiên quyết để các ĐTVT phát triển.
Theo quy hoạch, 3 trong 5 ĐTVT (Sơn Tây, Sóc Sơn, Xuân Mai) nằm tại các vị trí tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hòa Bình. Trong tương lai, các ĐTVT không chỉ giữ vai trò là hạt nhân phát triển tại các khu vực của Hà Nội mà còn với cả các tỉnh này.
TS. Nguyễn Hồng Sơn (KTĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.