08/11/2016 3:22 PM
Sau 3 năm thực hiện quy định về di dời cơ sở công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học…, nhiều cơ sở đã được chuyển ra khỏi nội đô. Song nhìn chung, tiến độ thực hiện còn chậm, nhiều trụ sở các bộ, ngành được di dời nhưng không bàn giao lại quỹ đất cho TP Hà Nội, khiến cho hệ thống hạ tầng đô thị, giao thông Thủ đô ngày một quá tải.
Di dời nhưng không bàn giao cơ sở cũ
Thực hiện Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội. Theo đó, phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.
Bệnh viện Phụ sản trung ương vẫn duy trì sử dụng quỹ đất trong nội đô. Ảnh: Khánh Huy
Đến nay, Hà Nội đã bố trí địa điểm cho 8 bệnh viện, 1 cơ sở giáo dục đại học, 9 cơ quan bộ, ngành trung ương, nhưng việc di dời vẫn rất chậm. Một số cơ quan, đơn vị đã triển khai, song quỹ đất sau di dời lại được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại, không bàn giao cho TP Hà Nội quản lý, khai thác sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật…
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết, đây chính là lý do khiến sức ép dân số cơ học ngày càng tăng, hạ tầng thì thiếu, yếu, phát triển quy hoạch chậm. Đơn cử có 8 cơ sở bệnh viện đã, đang di dời như Bệnh viện K, Bệnh viện Nội tiết trung ương, Bệnh viện Mắt trung ương, Bệnh viện Phụ sản trung ương… nhưng đều duy trì sử dụng cơ sở cũ ở nội thành, không thực hiện bàn giao quỹ đất cho thành phố.
Tương tự, thành phố đã bố trí đất phục vụ di dời 9 cơ quan của trung ương, nhưng các cơ quan cũng không bàn giao đất cho TP Hà Nội và có đến 7 cơ sở giữ lại làm trụ sở hoặc giao cho cơ quan chủ quản quản lý, 2 cơ sở được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án nhà ở, văn phòng thương mại cao tầng.
Quyết tâm cao để giảm áp lực hạ tầng
Giám sát về thực hiện quy hoạch theo Luật Thủ đô mới đây, nhiều thành viên Ban Đô thị HĐND thành phố băn khoăn, trong Luật Thủ đô không cho phép mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có, nhưng một số cơ sở y tế nằm trong diện phải di dời khỏi nội đô vẫn tiến hành xin cải tạo, chỉnh trang; diện tích di dời một số cơ quan phải dành cho hạ tầng xã hội, nhưng lại chuyển sang xây dựng dự án nhà cao tầng, trung tâm thương mại. Đều này đã làm gia tăng dân số cơ học, khiến thành phố tiếp tục chạy đua giải quyết hạ tầng xã hội, tình trạng ùn tắc giao thông.
Lý giải vấn đề trên, các phòng chuyên môn thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, rất khó khăn trong việc di dời các bệnh viện bởi nhu cầu khám chữa bệnh của người dân lớn. Sở nhận được 6 đề xuất của 6 bệnh viện chuyển cơ sở hiện có trong nội thành thành cơ sở nghiên cứu hoặc trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao. Đối với công tác lập quy hoạch sau thu hồi đất, Sở cũng đã tham mưu lập quy hoạch những nơi di dời thành các trường học mầm non, song thực tế đến nay còn vướng vì cơ quan, đơn vị đó mới di dời một phần.
Theo Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân, nếu không quyết liệt thực hiện các giải pháp di dời các cơ quan, đơn vị, cơ sở theo Quyết định 130 của Thủ tướng thì không có hạ tầng nào có thể đáp ứng được với sự gia tăng dân số cơ học như hiện nay.
Tháng 9-2010, Hà Nội có tổng số hơn 320.000 xe ô tô và 2,9 triệu mô tô, xe máy; thì đến tháng 9-2016 có gần 535.000 ô tô và hơn 4,9 triệu mô tô đã đăng ký, chưa kể xe ngoại tỉnh hoạt động lưu thông trên địa bàn - tăng gần gấp 2 lần. Điều này đã gây áp lực lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và hoạt động quản lý phương tiện giao thông vận tải của Thủ đô, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nhất là vào khung giờ cao điểm, các dịp lễ, Tết.
Công tác quản lý giao thông chưa đạt được mục tiêu chung mà Nghị quyết số 06/2015/NQ-HĐND ngày 1-12-2015 của HĐND thành phố về Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020 đặt ra (đó là “Tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trong khu vực nội đô (từ Vành đai 3 trở vào) và trên tất cả các trục hướng tâm chính ra, vào nội đô; các đường Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 3; các khu vực đầu mối giao thông (các cửa ngõ giao thông, các bến xe)”.
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh cho biết, tới đây Sở sẽ tham mưu cho thành phố chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn việc di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, bệnh viện… ra khỏi nội đô; kiến nghị với Chính phủ bố trí nguồn lực để phục vụ công tác di dời, đồng thời ban hành cơ chế tài chính để khuyến khích, khai thác quỹ đất sau di dời có hiệu quả.
Mong rằng, ngoài việc phối hợp của Sở với các bộ, ngành, đơn vị liên quan trong triển khai di dời, thì các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND thành phố cùng tích cực vào cuộc, thường xuyên giám sát để công tác di dời các cơ quan, đơn vị, trường học ra khỏi nội đô được tiến hành đúng quy định.
Tuấn Việt (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.