Khi thị trường bất động sản đóng băng, nhiều mảnh đất vàng được quy hoạch vào mục đích thương mại từ trước nay bị bỏ hoang. Thực tế trên cho thấy, Thủ đô chưa bao giờ thiếu đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội mà nguyên nhân chính là do chính quyền "lăn tăn" chưa thực sự chú trọng dùng "đất vàng" để phát triển hệ thống trường học công lập.

"Đất vàng thừa, trường học thiếu"?

Mới đây, Sở Tài Nguyên & Môi trường TP.Hà Nội đề xuất lên UBND TP. Hà Nội ra quyết định thu hồi hàng nghìn m2 đất của nhiều công ty xí nghiệp tại nhiều địa điểm có giá trị kinh tế cao nhằm phục vụ cho mục đích xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. Bản đề xuất, khiến nhiều người bất ngờ, vì nhiều diện tích "đất vàng" bị bỏ hoang trong một thời gian quá dài, trong khi nhu cầu đất để xây dựng trường học lại không được đáp ứng.

Theo bản đề xuất gửi lên UBND TP. Hà Nội của Sở Tài nguyên & Môi trường thì, tại quận Tây Hồ, đề xuất thu hồi 10 lô đất, trong đó có lô đất tại số 4 ngõ 108 An Dương rộng 3.158m2 đề nghị thu hồi để xây trường mầm non Yên Phụ. Lô đất tại số 17-19 Thụy Khuê rộng 2.133.9m2 đang để hoang hóa, sử dụng không hiệu quả để mở rộng xây dựng trường mầm non Chu Văn An. UBND quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất thu hồi 7 lô đất, trong đó có 1.800m2 đất tại phố Hàng Khoai; 1.000m2 đất tại số 88 Hàng Buồm; 110m2 đất tại số 49 Phan Bội Châu; 275m2 đất tại số 4 Tống Duy Tân; 168m2 đất tại số 68 Hàng Quạt.

Cũng theo bản đề xuất trên, quận Hai Bà Trưng muốn thu hồi 13 khu đất, trong đó có 2.500m2 đất tại số 114 Mai Hắc Đế; 4.000m2 đất tại 67 Ngô Thì Nhậm; 465m2 đất tại 60 Ngô Thì Nhậm; 4.000m2 đất tại 94 Lò Đúc; 406 m2 đất tại 60 Hàng Chuối; 6.142,4 đất tại số 65 Cảm Hội; 707,5m2 đất tại 170 - 176 Lò Đúc; 2.186,6m2 đất tại phường Bách Khoa. UBND quận Hoàng Mai đề nghị thu hồi 7 lô đất thuộc các khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp; Linh Đàm và khu nhà ở Vĩnh Hoàng để xây trường công lập.

Hình ảnh cha mẹ chen chúc đăng ký học cho con vào trường công lập (Nguồn internet)

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, các khu đất này từ lâu đã được giao cho chủ đầu tư nhưng hiện vẫn để trống nên UBND quận đề nghị Thành phố chỉ đạo các sở ngành liên quan xem xét thu hồi giao cho quận làm chủ đầu tư xây dựng trường học bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo UBND TP, hiện Sở Tài nguyên & Môi trường đã và đang thu hồi đất của 35 tổ chức với diện tích 827,8ha. Trong đó, có 3 dự án đã giao cho các quận, huyện xây trường học, 32 dự án giao cho các đơn vị để quản lý và lập phương án sử dụng đất theo quy hoạch. Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội kiến nghị UBND thành phố sớm chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai thu hồi, lên kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án trên cơ sở đề xuất của sở Kế hoạch và Đầu tư.

Bản đề xuất cho thấy một thực trạng, nhiều khu đất vàng đang bị bỏ hoang trong khi nhiều công trình phục vụ thiết thực đời sống nhân dân, nhất là trường học phục vụ nhiệm vụ giáo dục thì không có đất. Trong đợt đề xuất này, nhiều mảnh đất thu hồi sẽ được sử dụng vào mục đích xây dựng thêm trường học. Tuy nhiên, nhiều người dân cho rằng như thế còn quá ít so với nhu cầu hiện nay về trường học chứ chưa nói đến nhiều công trình phúc lợi xã hội khác. Anh Nguyễn Tuấn Minh, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng, nên sử dụng những mảnh đất này để xây dựng thêm nhiều trường học, nhằm hạn chế tình trạng chạy lớp, chạy trường như hiện nay. Nhất là trong bối cảnh quỹ đất dành cho những việc này ngày càng khan hiếm. Anh Minh cũng cho rằng, nếu đợt đề xuất thu hồi lần này, số diện tích đất vàng chuyển đổi sang mục đích phục vụ nhu cầu giáo dục đó là một quyết sách đúng đắn.

Một biện pháp khắc phục tình trạng chạy lớp, chạy trường?

Nhiều chuyên gia về đất đai khi được phỏng vấn đều cho rằng, việc quản lý và sử dụng đất hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập. Các khu "đất vàng" trước đây được giao cho các doanh nghiệp nhưng cuối cùng bị bỏ hoang trong khi nhu cầu có đất để xây dựng nhiều công trình phúc lợi xã hội lại không được đáp ứng. Nhiều người tỏ ra băn khoăn, tại sao việc quản lý sử dụng đất lại bất hợp lý, không đáp ứng phục vụ dân sinh của người dân, trong khi nhiều thửa "đất vàng" vẫn bị bỏ hoang gây lãng phí.

Có người cho rằng, bản đề xuất của Sở Tài nguyên & Môi trường kiến nghị lên UBND TP. Hà Nội mới đây vừa chỉ ra được một khía cạnh bất cập trong việc quản lý đất đai hiện nay. Việc chuyển đổi mục đích đất sau khi được thu hồi cần đặt nhu cầu dân cư lên hàng đầu, không được quá xem trọng lợi ích thương mại của một nhóm người.

Trao đổi với giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc (nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), chúng tôi được biết: "Tôi rất hoan nghênh kiến nghị này của lãnh đạo các quận, huyện về việc chuyển đổi "đất vàng" bỏ hoang sang xây dựng trường học. Bởi lẽ, ở Hà Nội hiện nay thiếu trường nhiều quá. Nhiều trường có tới 52 - 55 học sinh trên một lớp trong khi quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo tối đa chỉ là 40 - 45 học sinh trên một lớp. Thậm chí, ở các trường tư thục số lượng học sinh chỉ là 20 - 25 học sinh mà thôi (tương đương với quy định số học sinh mỗi lớp trên thế giới".

"Với số lượng học sinh trên mỗi lớp như vậy thì Hà Nội làm sao đảm bảo được chất lượng dạy và học trong khi so với các địa phương, Hà Nội đã đi sau về chất lượng phổ cập giáo dục. Nhiều trường thiếu các thầy, cô được đào tạo chính quy, trong khi những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo Hà Nội thiếu nhiều quá. Đối với một Thủ đô như Hà Nội thì đúng là điều không thể chấp nhận được.

Tôi nghĩ rằng Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân phải xem xét, giải quyết vấn đề này kịp thời cho xứng tầm với một Thủ đô. Giữa thực tế và quyết tâm nó xa nhau quá. Chúng ta đang thảo luận sửa đổi luật Đất đai, trong khi đất đai là sở hữu toàn dân mà giáo dục cũng thuộc sở hữu toàn dân. Hiện nay, đất dành quá nhiều cho các siêu thị, các dự án kinh doanh nhà ở trong khi đất dành cho giáo dục lại thiếu trầm trọng. Đây là điều không thể chấp nhận đối với một đất nước lấy giáo dục làm mục tiêu phát triển" - Viện sĩ Hạc nói.

Kiến nghị thiết thực

“Thực ra, chúng ta đã nói nhiều về vấn đề thu hồi đất để xây trường học nhưng hiệu quả thực hiện vẫn chưa được bao nhiêu. Thậm chí đã có số liệu thống kê 100 khu đô thị mới nhưng không có khu nào có trường học. Tuy nhiên, trước đây các cấp lãnh đạo vẫn chưa xem xét các phương án cụ thể nên chưa thể khắc phục. Cho nên kiến nghị này không mới nhưng có tính thiết thực. Việc kiến nghị thu hồi những khu "đất vàng" này để xây trường học mang tính chất quyết định tới việc giải quyết tình trạng chạy lớp, chạy trường thời gian gần đây. Rất may là các cơ quan có thẩm quyền đã xem xét và tôi mong rằng kiến nghị này sẽ sớm được đưa vào thực hiện” - Giáo sư Hạc bộc bạch.

Như Hải - Phạm Thiệu (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.