Thời gian trước đây, trong vòng 1 năm chúng ta chuyển đổi mục đích khoảng 50.000 ha, bây giờ mỗi năm chỉ khoảng 20.000 ha.
Chiều 28/8, trả lời câu hỏi của báo giới trước tình trạng nhiều địa phương gặp khó khăn, vướng mắc trong việc giữ 3,8 triệu ha đất lúa theo Nghị quyết của Quốc hội, dẫn tới tình thực tế bà con nông dân, người lao động ở không ít tỉnh thành, địa phương đã lách luật, bỏ hoặc trả lại đất lúa cho nhà nước, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, đó chỉ là trường hợp cá biệt.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong phiên họp Chính phủ trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng đã có báo cáo Chính phủ câu chuyện này. Theo đó, hiện tượng trả đất lúa là rất cá biệt tại một số địa phương, chứ không phải cả nước.
Trên thực tế, chúng ta là nước nông nghiệp, mấy chục năm trước chúng ta còn thiếu lương thực, khi đổi mới chính sách, chúng ta vươn lên, không chỉ gạo, mà tất cả các mặt hàng nông sản, trở thành một trong những nước xuất khẩu đứng tốp đầu thế giới về nhiều mặt hàng nông sản.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, chúng ta vẫn cần giữ vững an ninh lương thực. Nhưng cũng có một thực tế, nhiều người nói rằng, chúng ta làm lúa đủ tiêu dùng, không nhất thiết làm lúa để trở thành nước xuất khẩu số 1, 2 trên thế giới.
Nhưng theo ông, cũng cần lưu ý một thực tiễn, ở nhiều vùng nông thôn, nhất là ở vùng Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ điều kiện tự nhiên mà thói quen canh tác từ lâu đời là chỉ biết trồng lúa, cho nên chủ trương chung của Đảng, Nhà nước không chỉ là phải giữ vững an ninh lương thực, mà đây còn là một ngành sản xuất.
“Chúng ta cũng phải hiểu thật đúng chủ trương của Đảng là giữ đất lúa, nhưng không có nghĩa là chỉ trồng cây lúa mà chúng ta phải hiểu ở đây là trồng cây lương thực, sản xuất nông nghiệp”, Bộ trưởng Đam nói.
Lý giải cho quyết tâm này, người đứng đầu Văn phòng Chính phủ cho rằng, tại sao chủ trương này thời gian qua chúng ta phải làm ráo riết?. Chúng ta đã biết, báo chí phản ánh rất nhiều một số năm trước đây chúng ta quản lý ở một số nơi có lỏng lẻo, cho nên chuyển một loạt đất lúa, kể cả lúa cao sản sang làm đô thị mới, khu công nghiệp. Chủ yếu chúng ta ngăn chặn việc chuyển đất lúa, đặc biệt là lúa cao sản sang làm đô thị mới, làm nhà, cửa, khu công nghiệp trong khi tỷ lệ lấp đầy chưa cao.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được giao nhiệm vụ là tái cơ cấu nông nghiệp. Những vùng đất có thể kết hợp trồng lúa với các loại khác, không chỉ là cây lương thực như ngô, đậu tương, mà có thể trồng những loại cây ăn quả khác. Khi cần thiết, đất ấy chúng ta vẫn quay lại canh tác lúa được. Theo Bộ trưởng Đam, chúng ta nên hiểu như vậy.
Còn cá biệt thời gian vừa qua, có những nơi làm đất lúa dứt khoát chỉ trồng lúa, nông dân chuyển sang trồng ngô thì xử lý, hiểu như thế là không đúng.
Bộ trưởng Đam cho hay, thời gian trước đây, trong vòng 1 năm chúng ta chuyển đổi mục đích khoảng 50.000 ha, bây giờ mức độ chuyển thấp hơn hẳn, khoảng 20.000 ha, bởi dù sao nhu cầu vẫn phải công nghiệp hóa, đô thị hóa, nhưng hạn chế ở mức thấp nhất có thể và giữ đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.