Sáng nay (19/11), Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) tổ chức Hội thảo “thực trạng và những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (QSDĐ)”.
Hội thảo “thực trạng và những bất cập trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử đụng đất”
ĐB Bùi Văn Xuyền – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, Luật đất đai 2013 có nhiều quy định tạo thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng QSDĐ của mình để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Song thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề cần thực hiện để triển khai Luật và vấn đề khó nhất là cấp “sổ đỏ” ở nông thôn do những hậu quả từ thực tiễn quản lý đất đai trong thời gian dài và những quy định về thủ tục, hạn mức sở hữu đất...
Hiện vẫn còn nhiều tranh chấp đất đai không bao giờ được giải quyết nên các chủ thể tranh chấp đều không được cấp “sổ đỏ”. Như phản ánh của ông Huỳnh Xuân – Trung tâm tư vấn pháp luật cho người nghèo, dân tộc thiểu số thuộc VUJUSAP tại Phú Yên, bất cập trong cấp “sổ đỏ” xuất phát từ việc trước đây chính quyền chỉ giao quyết định giao đất mà không giao sổ đỏ nên bây giờ giao “sổ đỏ” thì chênh lệch giá đất giữa hai thời điểm quá cao nên người dân không đi lấy “sổ đỏ”. Thậm chí, có trường hợp, cấp đất có thu tiền cho người dân nhưng sau này lại thu hồi quyết định giao đất rồi lại bán đấu giá, khiến dân khiếu kiện.
Giải thích thêm nguyên nhân, đại diện lãnh đạo Cục Công sản, Bộ Tài chính cho rằng, tình trạng người dân không nhận “sổ đỏ” không hẳn vì vấn đề tài chính, mà vì không đồng tình với việc chỉ được cấp sổ cho một phần diện tích mà họ thực tế đang sử dụng do hạn mức đất, phần còn lại phải nộp thuế cao…
Do đó, bà Tạ Thị Minh Lý – Chủ tịch VUJUSAP nhấn mạnh, tỷ lệ khiếu kiện cao về đất đai, trong đó có liên quan đến cả việc cấp "sổ đỏ" hiện nay là mất mát lớn cho người dân và xã hội. Do đó, “đất không chân”, không tự dịch chuyển nên cơ quan chức năng phải tính toán khi quy hoạch, quản lý đất đai, tháo gỡ bất cập trong quản lý đất đai, không để dân phải khiếu kiện./.