18/06/2013 8:45 PM
Thông tư 10 không nhắc đến bản vẽ kết cấu nhưng không có nghĩa là bỏ bản vẽ này trong hồ sơ xin phép xây dựng.

Dù nhiều ý kiến cho rằng việc đòi bản vẽ kết cấu khi cấp phép xây dựng là làm khó dân ngoài quy định (Pháp Luật TP.HCM ngày 17-6) nhưng Bộ Xây dựng vẫn cho rằng hồ sơ xin phép xây dựng nhất thiết phải có bản vẽ này.

“Nói xin phép xây dựng khó hơn là hiểu lầm. Tuy hồ sơ có thêm bản vẽ kết cấu nhưng đó không phải là phát sinh thủ tục và gây tốn kém cho dân” - ông Bùi Trung Dung, Vụ trưởng Vụ Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), trả lời Pháp Luật TP.HCM vào ngày 17-6.

Chỉ để kiểm soát chủ đầu tư

. Thưa ông, lâu nay việc cấp phép xây dựng thực hiện theo Quyết định 68/2010 của UBND TP.HCM tương đối đơn giản, thuận lợi. Nay Nghị định 64/2012 yêu cầu trong hồ sơ xin phép xây dựng phải có thêm bản vẽ kết cấu chịu lực chính công trình. Tại sao ông lại cho rằng đòi hỏi này không làm phát sinh thủ tục?

+ Ông Bùi Trung Dung: Tôi khẳng định việc thêm bản vẽ kết cấu vào hồ sơ xin phép xây dựng không phải là thêm thủ tục làm khó cho dân như nhiều ý kiến nhận xét. Bởi theo Luật Xây dựng, trước khi khởi công thì công trình có diện tích sàn xây dựng trên 250 m2 và trên ba tầng bắt buộc phải có bản vẽ thi công, trong đó có bản vẽ kết cấu. Còn Nghị định 12/2009 yêu cầu bản vẽ thi công phải do cá nhân hoặc tổ chức có chức năng thực hiện. Do đó, chủ đầu tư chỉ cần trích bản vẽ kết cấu trong bộ bản vẽ thi công để nộp cho cơ quan cấp phép. Việc này nhằm mục đích đảm bảo sự an toàn cho người dân và cộng đồng xung quanh trong quá trình xây dựng.

Người dân làm thủ tục cấp phép xây dựng tại UBND quận Tân Bình. Ảnh: HTD

. Nhưng theo Luật Xây dựng, chỉ khi nào khởi công công trình thì chủ nhà mới phải có bản vẽ thi công (tức bản vẽ này nằm ở giai đoạn hậu cấp phép xây dựng). Nay lại đưa vào khâu xin phép xây dựng là có hợp lý không?

+ Vừa qua có không ít công trình xây dựng xảy ra sự cố gây thiệt hại về tài sản, nhân mạng. Qua kiểm tra thì hầu hết công trình đó không có bản vẽ thi công. Vì thế, Nghị định 64 mới yêu cầu phải có bản vẽ kết cấu ngay ở khâu xin phép xây dựng. Đây là sự nhắc nhở theo ý nghĩa bắt buộc chủ đầu tư phải có bản vẽ thi công được tổ chức, cá nhân có chức năng thực hiện và chịu trách nhiệm.

. Nhưng người dân cho rằng họ chưa biết có được cấp phép xây dựng không, quy mô bao nhiêu thì làm sao lập bản vẽ thi công để trích ra bản vẽ kết cấu nộp cho cơ quan cấp phép? Hoặc họ sẽ đối phó bằng cách thuê mượn bản vẽ kết cấu ở đâu đó, sau đó thi công bằng bản vẽ khác.

+ Không thể có việc khi xin phép xây dựng người dân không biết mình được chấp nhận không, quy mô bao nhiêu. Nhà nước phải có trách nhiệm công khai thông tin quy hoạch và các chỉ tiêu cho người dân. Khi chủ đầu tư trả tiền cho đơn vị tư vấn để lập bản vẽ, nơi này phải có trách nhiệm liên hệ, xin thông tin từ cơ quan cấp phép để thiết kế bản vẽ cho phù hợp.

Trách nhiệm: Đơn vị thiết kế và chủ đầu tư chịu

. Ông nhấn mạnh đến mục đích nhằm bảo đảm an toàn trong thi công, nhưng thực tế cán bộ cấp phép xây dựng không thẩm định bản vẽ kết cấu đúng hay sai, tốt hay dở mà chỉ cần thấy có trong hồ sơ là đủ. Có ý kiến cho rằng nếu chỉ cần nộp cho có, cho đủ bộ thì yêu cầu làm gì?

+ Nghị định 64 nêu rõ cán bộ cấp phép không thẩm định hay phê duyệt bản vẽ kết cấu. Bản vẽ đúng hay sai, tốt hay dở là do chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện chịu trách nhiệm. Pháp luật đã giao trách nhiệm này cho họ nên không cần cơ quan nhà nước can thiệp. Cơ quan cấp phép chỉ cần quản lý về mặt thủ tục hành chính, nghĩa là trong bộ hồ sơ phải có bản vẽ kết cấu thực hiện đúng yêu cầu.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không cần thẩm định tính hợp lý của bản vẽ với công trình xin phép. Nếu thấy bản vẽ vô lý mà vẫn cho qua thì cán bộ cấp phép không làm hết trách nhiệm.

. Trong Thông tư 10/2012, Bộ Xây dựng không quy định thành phần hồ sơ xin phép xây dựng có bản vẽ kết cấu. Vì thế một số địa phương mới cho rằng không cần thiết phải có bản vẽ này trong hồ sơ.

+ Về nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thông tư chỉ hướng dẫn những nội dung chưa rõ của nghị định. Quy định về bản vẽ kết cấu đã thể hiện rõ ràng trong Nghị định 64 nên Thông tư 10 không lặp lại. Nếu không, chúng tôi sẽ bị cơ quan gác cửa là Bộ Tư pháp thổi còi.

Tôi nhấn mạnh lại là Thông tư 10 không nhắc đến bản vẽ kết cấu nhưng không có nghĩa là bỏ bản vẽ này trong hồ sơ xin phép xây dựng.

. Xin cảm ơn ông.

Một yêu cầu không cần thiết

Pháp luật trong ngành xây dựng quy định chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn thiết kế, thi công phải chịu trách nhiệm về chất lượng công trình. Dù có nộp hay không nộp bản vẽ kết cấu trong hồ sơ xin phép xây dựng thì trách nhiệm này cũng không thay đổi.

Đối với những công trình tương đối lớn (diện tích từ 250 m2 trở lên), Điều 72 Luật Xây dựng quy định khi khởi công công trình chủ đầu tư phải có bản vẽ thi công. Ngoài ra, chủ đầu tư phải thông báo cho UBND cấp phường biết về thời điểm khởi công. Kiểm tra việc này đã có lực lượng thanh tra xây dựng. Do vậy, buộc người dân nộp bản vẽ kết cấu vốn dành cho giai đoạn thi công trong thủ tục xin phép xây dựng là một yêu cầu không cần thiết.

Trong báo cáo bảo lưu quan điểm phải có bản vẽ kết cấu khi xin phép xây dựng, Bộ Xây dựng viện dẫn Điều 72 Luật Xây dựng quy định phải có bản vẽ thi công. Nhưng như đã phân tích, điều luật này quy định cho giai đoạn khởi công, không phải giai đoạn xin phép xây dựng.

Ngoài ra, nếu cho rằng việc đòi bản vẽ kết cấu trong hồ sơ xin phép xây dựng không phải là thêm thủ tục lại càng không thỏa đáng. Rõ ràng cứ phát sinh thêm một thành phần hồ sơ buộc người dân phải nộp thì đã là thêm thủ tục. Cũng đừng tin rằng có bản vẽ kết cấu trong giai đoạn xin phép xây dựng là có thể quản được chất lượng công trình, bởi điều đó chỉ có thể đạt được ở bề nổi thôi.

Một chuyên gia ngành xây dựng tại TP.HCM

Cẩm Tú (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.