18/06/2012 4:03 PM
Có đến 1/3 “ngôi nhà hoang” trên 62 nóc nhà trong tình trạng “cửa đóng then cài” và xuống cấp hư hỏng.

Khu tái định cư Nam Mỹ, xã Hoà Bắc (huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) được tiến hành xây dựng và di dời dân đã 5 năm nay. Nhưng, hiện có đến 1/3 “ngôi nhà hoang” trên 62 nóc nhà trong tình trạng “cửa đóng then cài” và xuống cấp hư hỏng.

Hoang tàn những ngôi nhà
Được đầu tư xây dựng vào năm 2007, Khu tái định cư (KTĐC) Nam Mỹ được xem là ‘cứu cánh’ cho người dân vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở đất ven sông Cu Đê. Tuy nhiên, thay vì người dân ở đông đúc thì hiện KTĐC này hoang tàn, đổ phế. Người dân đã bỏ nhà đi nơi khác sinh sống.
Anh Huỳnh Hữu Tuân (46 tuổi, đang ở KTĐC Nam Mỹ) cho biết, anh đã ở gần 4 năm ở KTĐC này theo diện di dời thấp lụt. Những hộ dân lên khu tái định cư này tuỳ theo đợt, có đợt mỗi hộ dân được cấp 300m², có đợt được cấp 400m² để xây dựng nhà ở, với số tiền mỗi hộ dân được hỗ trợ là 12 triệu đồng/hộ cho đợt đầu và đợt sau là 21 triệu đồng/hộ. Ngoài một số hộ dân vẫn còn đất ở nơi ở cũ để canh tác, hay một số hộ dân được cấp đất rừng, như hộ anh Tuân có 7 héc ta rừng, thì những hộ dân khác lên ở đây chỉ biết lên rừng làm củi, hay đi làm rừng thuê…để sinh sống.
“Ở khu dân cư tôi đang sống may ra còn có nước sinh hoạt thoải mái. Nhưng cũng ở KTĐC này, các hộ dân ở khu dân cư đối diện đường tỉnh lộ thì lúc có, lúc không có nước để dùng. Khu này có khoảng 35 hộ dân, nhưng bám trụ chỉ được mấy hộ. Có khả năng ở đây họ làm ăn không được nên không ở. Dưới đó (ở nơi ở cũ) họ còn làm ruộng làm vườn nhiều, còn ở đây không làm ăn được nên họ bỏ đi”, anh Tuân nói.
Bà Đặng Thị Đào “Gia đình lên đây không có ruộng vườn đành lên núi kiếm củi, làm thuê”
Còn bà Đặng Thị Đào (65 tuổi, đang ở KTĐC Nam Mỹ) cho biết, khi lên KTĐC bà được cấp mấy trăm mét vuông để xây nhà ở, nên muốn nuôi con lợn, con bò cũng không có đất để làm chuồng. “Gia đình tui đây ruộng vườn không có, nên tui già rồi cũng phải lên núi kiếm củi, làm thuê. Trong khi đó, nước sinh hoạt cho KTĐC này được lấy từ trên khe núi dẫn về, lũ thì trôi đường ống, hay rác, đất đó chui vào đường ống làm tắc đường ống dẫn nước về KTĐC. Hiện đang là mùa nắng, nhưng nước cũng nhà có nhà không. Còn một số ngôi nhà đang xây dựng dở dang rồi bỏ đó thì do có được chừng ấy tiền hỗ trợ thì làm đến chừng ấy…”, bà Đào cho biết.
Chính quyền tiếp tục vận động người dân ở lại
Theo người dân nơi đây cho biết, KTĐC này có khoảng 62 hộ dân, nhưng chỉ khoảng 20 hộ có đất canh tác (ở nơi ở cũ), những hộ có một vài héc ta rừng trồng cây keo thì cũng phải 5- 6 năm mới thu hoạch một lần nhưng nếu gặp bão thì trắng tay. Một số người ở KTĐC này thì phải về dưới khu công nghiệp Hoà Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) làm công nhân, đường xa về nhà xa nên thuê phòng trọ ở lại. Một số hộ thì về ở nơi ở cũ làm ruộng vườn đến khi lũ lụt mới lên tá túc “nhà mới” ở KTĐC.
Trao đổi về vấn đề nay, ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc, cho biết 62 hộ dân ở KTĐC Nam Mỹ ngoài 2 hộ dân ở thôn Nam Yên, còn lại chủ yếu là các hộ dân thôn Nam Mỹ thuộc diện di dời TĐC cho người dân vùng sạt lở, thấp trũng. Bên cạnh đó, một số hộ khi xét đưa lên KTĐC Nam Mỹ là giáo viên dạy cho đồng bào dân tộc, một số hộ ở thôn khác, hoặc hộ vào KTĐC rồi đi làm ở khu công nghiệp… Một số hộ về nhà ở nơi ở cũ là để sản xuất và mưa lũ thì họ lại lên…chứ không phải họ không về ở KTĐC!?
Vấn đề nước sinh hoạt cho dân, ông Phúc cho biết qua kiểm tra thì thấy có nước, chỉ có một đến hai hộ đường ống nước dẫn vào nhà để dùng bị hư hỏng nhưng không biết khắc phục, chứ không phải nguồn nước trong KTĐC không có?. “Trước mắt UBND xã tiếp tục vận động các hộ dân tiếp tục sửa sang nhà cửa và theo hướng sản xuất của xã để ổn định KTĐC, đó là định hướng phát triển mô hình trồng nấm để hình thành Hợp tác xã, đồng thời đề xuất TP Đà Nẵng khắc phục sạt lở để bảo vệ đất sản xuất cho dân”, ông Phúc cho biết.
Theo Gia đình
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.