Để tăng nguồn cầu, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng cũng có đối tượng là chuyển các dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội
Hơn 30 nghìn người đăng ký mua nhà xã hội
Theo đại diện Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước, sau 10 ngày triển khai, gói tín dụng này đã có tác dụng tích cực đến thị trường bất động sản. Các ngân hàng được chỉ định tiếp nhận và cho vay vốn đều có những bước triển khai như hướng dẫn, tập huấn về điều kiện, thủ tục cho vay cho các chi nhánh trong hệ thống. Hàng chục dự án cho doanh nghiệp vay đã được các ngân hàng ký kết. Còn lý do ít có khách hàng cá nhân đến vay vốn, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Chính sách hướng đến đông đảo người dân nên việc quản lý dòng vốn không thể nóng vội. Dự kiến dự án việc giải ngân được thực hiện trong 3 năm, nên thời gian này người dân, doanh nghiệp chủ yếu đến các ngân hàng để tìm hiểu hồ sơ, thủ tục”. Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết không để xảy ra chuyện ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp và có sự kiểm soát chặt chẽ để doanh nghiệp chỉ được vay không quá 30% trong gói 30.000 tỷ đồng.
Về ý kiến cho rằng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng khó đáp ứng được nhu cầu nhà ở thực tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Trần Nam cho biết, đây không phải là dự án nhà ở xã hội đầu tiên, mà từ cuối năm 2009, đầu năm 2010 đã triển khai những dự án này ở các đô thị. Hiện tại có gần 10.000 hộ gia đình được ở nhà xã hội. Để tăng nguồn cầu nhà ở xã hội, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cũng có đối tượng là chuyển các dự án nhà thương mại sang nhà ở xã hội. Hiện có khoảng 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai. Đến nay, ước tính đã có khoảng 30.000 cán bộ, nhân viên của các bộ, ngành đăng ký mua nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị định về xây dựng và quản lý nhà ở xã hội, trong đó sẽ quy hoạch các khu đất khác có thể rộng hàng trăm hecta để làm nhà ở xã hội. “Gói 30.000 tỷ không kỳ vọng đáp ứng hoàn toàn về nhu cầu nhà ở dành cho người thu nhập thấp, mà là vốn mồi, cú hích ban đầu, để kết hợp các nguồn lực, kể cả của người dân để xây dựng nhà ở xã hội…” - ông Nguyễn Trần Nam cho biết.
Thu nhập 5 - 6 triệu vẫn mua được nhà
Nhà ở xã hội sẽ có nhiều gói, nhiều loại hình sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các hộ gia đình thu nhập thấp, với các các dải sản phẩm căn hộ từ 30-70m2. Nếu gia đình trẻ có hai vợ chồng với tổng thu nhập khoảng 15 triệu/tháng vẫn mua được. “Nếu căn hộ có diện tích tối thiểu là 30m2, như Viglacera sẽ bán với giá 8,5 triệu đồng/m2 và giá khoảng 250 triệu đồng, chỉ cần có 50 triệu đồng tiền gốc. Mỗi tháng phải nộp 2,8 triệu đồng thì người có thu nhập 5-6 triệu vẫn sở hữu được” - Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam tính toán.
Thứ trưởng Nam cũng cho biết, các dự án nhà ở xã hội được hưởng lãi suất từ gói 30.000 tỷ đồng này có giá dưới 12 triệu đồng/m2, thậm chí một số dự án như Viglacera đã tuyên bố giá là 8,5 triệu đồng/m2, dự án C.E.O 8 triệu đồng/m2; các dự án vừa khởi công ở Thái Bình, Phú Thọ, Hưng Yên... dưới 7 triệu đồng/m2. Bộ Xây dựng cũng khẳng định, sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ, vận động chủ đầu tư đưa ra các giá phù hợp với điều kiện hiện nay, đảm bảo nhà ở xã hội cũng hoàn toàn đáp ứng chất lượng, yêu cầu kỹ thuật và an toàn như nhà ở thương mại.
Còn với đối tượng thu nhập thấp hơn nữa, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho thuê nhà ở. Hiện Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ nghị định về quản lý, hỗ trợ nhà ở cho thuê, với mức giá chỉ 2 triệu đồng đối với căn hộ có diện tích 45m2. Hình thức thuê là từng tháng hoặc theo gói hợp đồng 6- 12 năm (hay có thể gọi là sở hữu nhà có thời hạn) với một mức giá ổn định; trong thời gian đó có người thuê có thể cho thuê lại.