Tại
hội thảo góp ý cho việc sửa đổi Luật Đất đai 2003 vừa qua, có ý kiến
cho rằng tư hữu hay công hữu về đất đai đều không quan trọng, mà quan
trọng là hình thức sở hữu đó phải đem lại hiệu quả cao nhất và chi phí
thấp nhất cho mọi người dân.
Một
số ý kiến đề xuất nên thừa nhận hình thức sở hữu tư nhân về đất đai
trong lần sửa đổi luật sắp tới. Về mặt pháp lý, đất đai phải có “chính
danh”, tức là phải có người chủ thực sự. Chế độ sở hữu toàn dân về đất
đai mà Nhà nước là người đại diện đang tạo ra một kẽ hở thuận lợi cho
một bộ phận cán bộ công quyền tham nhũng đất đai. Toàn dân là chủ sở hữu
nhưng dân lại không được quyết định giá đất. Một bất cập khác là quyền
sở hữu đất đai thuộc về Nhà nước (toàn dân), trong khi quyền sở hữu nhà
lại thuộc cá nhân. Sự không thống nhất này đã dẫn tới mâu thuẫn trong
nhiều chính sách về đất đai, bất động sản.
Ý
kiến khác cho rằng, thực chất đất đai là công sản, là tài nguyên chung
của quốc gia và cho dù sở hữu công đối với đất đai có thể tạm thời bị
nhấn chìm trong một lúc nào đó thì nó cũng nhanh chóng được cộng đồng xã
hội giành lại. Sẽ không bao giờ có chuyện đất đai có thể bị tư hữu hóa
tuyệt đối, vĩnh viễn. Không phải vấn đề là công hữu hay tư hữu, mà là
chúng ta thực hiện các quyền của người dân như thế nào. Thời gian vừa
qua, việc khiếu kiện chủ yếu do người dân không đồng tình với giá đền bù
quá thấp. Nếu các quyền của người dân về đất đai được đảm bảo thì vấn
đề sở hữu không còn quá quan trọng nữa.