Với những “đặc quyền, đặc lợi”, liệu khi thực hiện xong thủ tục được cấp giấy tờ, được cấp đất…, những chủ doanh nghiệp có thực hiện dự án hay lại sang nhượng cho người khác?

Khu đất vàng của thị trấn Long Thành cùng rừng caosu được "biến" thành trung tâm thương mại.

Trong khi những câu hỏi mà dư luận đặt ra xung quanh việc bán cổ phần tại Cty Long Đức chưa được giải quyết, thì giờ đây tại Đồng Nai có hàng loạt dự án KCN, khu dân cư có nguồn gốc đất công được giao cho những DN do ông Huỳnh Văn Mạnh và bà Huỳnh Thị Kim Lưu làm chủ đầu tư.

Bồi thường 61,9ha với giá 2,6 tỉ đồng

Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào mà chỉ trong một thời gian ngắn ông Mạnh và bà Lưu đã làm chủ được nhiều dự án có nguồn gốc từ đất công, giá đền bù thấp? Trong đó, hầu hết các dự án tập trung tại khu vực huyện Long Thành. Các khu đất mục tiêu mà họ “nhắm tới” đều là những khu vực đất công đang trồng điều, caosu...

Cụ thể, tháng 3.2012 UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư tại xã Long Đức có tổng diện tích 82,77ha, đất có nguồn gốc của Nông trường caosu Long Thành vốn được sử dụng để trồng caosu và đã được giao cho Cty CP Lộc Thịnh (do bà Lưu điều hành) làm chủ đầu tư. Theo ông Phùng Văn Thành - cán bộ địa chính xã Long Đức - thì đây là đất công nên xã cũng không biết giá đền bù là bao nhiêu.

Được biết, khu trung tâm thương mại dịch vụ và dân cư trên là đất “vàng” tại Long Thành, bởi toàn bộ khu đất nằm ngay “mũi tàu” đi vào trung tâm thị trấn Long Thành, được bao quanh bởi hai bên tuyến quốc lộ 51 từ TPHCM đi Vũng Tàu và ngược lại.

Đặc biệt, khu dân cư Lộc Khang tại xã Long Đức, huyện Long Thành do Cty TNHH thương mại Lộc Khang (bà Lưu làm chủ đầu tư), dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt phương án tổng thể (tháng 3.2008) bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ban đầu là 61,9ha. Với lý do đây là đất công nên chỉ thực hiện thu hồi, không bồi thường, chủ đầu tư chỉ phải hỗ trợ nhà cửa, vật kiến trúc và tài sản khác. Tổng giá trị dự toán bồi thường chỉ hơn 2,6 tỉ đồng. Sau đó dự án được điều chỉnh lên 96,3ha, trong đó 89,8ha là đất do Nông trường caosu Long Thành quản lý.

Có hay không có sự tiếp tay?

Thời điểm hiện tại, Long Thành đang được đánh giá là “điểm nóng” thu hút đầu tư, bởi không xa nữa đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây được hoàn thành và sân bay quốc tế Long Thành đã chính thức khởi công. Do đó, sự gia tăng về lợi nhuận tại các dự án đầu tư sẽ mang lại những khoản tiền khổng lồ cho giới chủ đầu tư. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ ai hậu thuẫn hay do chính sách quá lỏng lẻo?

Vấn đề đặt ra là: Với những chính sách ưu đãi rất lớn của địa phương cùng những kẽ hở để các chủ đầu tư biến tấu đất công, sau khi được “phù phép” thành dự án riêng hoặc đất tư thì chỉ riêng DN thực hiện được hay có sự tiếp tay từ các cấp chính quyền địa phương? Đặc biệt, ngay cả các DN lớn như Cty caosu Đồng Nai bị chiếm mất hàng trăm hécta đất trồng caosu và mỗi hécta caosu hằng năm đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, nhưng lại không nhận được sự phản ứng nào từ phía DN này?

Với những ưu đãi đã được địa phương “ban tặng” cho nhiều dự án đất công thì ngay các chuyên gia kinh tế cũng phải đặt dấu hỏi về tính khả thi cho các dự án. Cuối cùng thì hàng trăm hécta đất công và lợi nhuận hàng trăm tỉ đồng sẽ “chảy” về đâu?

Mới đây nhất, dư luận đang đặc biệt quan tâm đến thông tin một DN có tên gọi Cty CP đầu tư Đức Hạnh đang tiến hành thủ tục để xin phép đầu tư KCN có diện tích 330ha- là rừng caosu tại xã Long Đức. Trong đó, theo nguồn tin riêng của PV Lao Động thì Cty này do bà Huỳnh Thị Kim Lưu làm chủ.

Như vậy, không lâu nữa sẽ có hàng trăm hécta đất trồng caosu được chuyển đổi thành KCN và với tốc độ này thì trong thời gian tiếp theo, sẽ có bao nhiêu hécta đất công tiếp tục bị biến tấu?

Theo Công Thắng (Báo Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.