Tại cuộc hội thảo về rà soát Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) hôm 21-9 tại Hà Nội, ông Minh dẫn chứng hiện nay có quá nhiều văn bản quy định thời điểm huy động vốn từ người mua, tưởng là nghiêm nhưng thực tế lại rất lộn xộn và mâu thuẫn.
Luật KDBĐS quy định chủ đầu tư và khách hàng được thoả thuận về việc mua bán nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo hình thức ứng tiền trước (gọi tắt là góp vốn), lần đầu chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư đã xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nghị định hướng dẫn luật này (nghị định 53) lại quy định việc ứng tiền trước phải được thực hiện nhiều lần, lần đầu chỉ được huy động khi chủ đầu tư đã bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
Luật Nhà ở thì quy định chỉ được huy động vốn khi thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng.
Thông tư 04/2006 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện quy chế khu đô thị mới còn cho phép chủ đầu tư được huy động vốn từ khi chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng và bắt đầu triển khai xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật theo giai đoạn đầu tư, nghĩa là sớm hơn thời điểm đã xây dựng xong phần móng được Luật Nhà ở quy định.
Hàng loạt các văn bản như trên quy định chủ đầu tư được huy động tiền ứng trước của khách hàng từ nhiều thời điểm khác nhau khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện hoặc tùy tiện huy động vốn khiến cho rủi ro trong các giao dịch góp vốn của khách hàng liên tục gia tăng trong những năm gần đây.
Ông Minh yêu cầu cần nhanh chóng sửa đổi các văn bản về thời điểm góp vốn, thống nhất áp dụng một quy định để làm minh bạch quá trình góp vốn của người mua với chủ đầu tư.