Theo quy định của Nhà nước, khi cấp giấy chứng nhận đầu tư bất kỳ dự án (DA) lớn hay nhỏ đều giống nhau, chủ đầu tư phải đảm bảo vốn tự có là 20%/tổng vốn đầu tư và 80% số vốn còn lại là vốn huy động và vốn. Thời gian qua, thị trường BĐS sụt giảm nghiêm trọng khiến các DN, đặc biệt là DN có vay vốn ngân hàng đều bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, nhiều chính sách của các bộ, ngành thay đổi liên tục, thủ tục rườm rà làm mất thời gian, mất cơ hội cho DN đầu tư BĐS. Sự chậm trễ này đã đẩy giá thành nhà đất lên cao.
Ngoài ra, nhiều DN không bán được sản phẩm nên tìm cách bán cắt lỗ nhưng hiện nay, Chính phủ đánh thuế lũy tiến đối với người mua nhiều nhà, đất nên nhiều cá nhân có tiền nhàn rỗi ngại đầu tư 10 - 20 căn hộ hoặc 10 - 20 nền nhà để xây dựng cho chuyên gia, những người không đủ khả năng mua căn hộ thuê lại. Họ chuyển sang kênh đầu tư vàng, ngoại tệ.
Hơn nữa, BĐS đóng băng cũng do lỗi một số nhà đầu tư nhỏ lẻ, đầu tư DA không đồng bộ, manh mún, không chất lượng, không bền vững, đưa ra các chương trình quảng bá, khuyến mãi rầm rộ để thu hút người mua, nhưng thực tế, DA không có tính khả thi, thanh khoản không tốt. Chính điều này đã tác động đến tâm lý của người mua và ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà đầu tư DA có tầm cỡ và đồng bộ.
Trên thực tế, nhu cầu nhà ở của người dân là rất lớn, nhưng giá quá cao nên không thể tiếp cận. Người có tiền thì cũng đã sở hữu nhà, trong khi số người có thu nhập trung bình và thấp lại chiếm đa số. Theo đó, với mức lương bình quân 10 triệu đồng/tháng của cả hai vợ chồng thì khó có thể mua được căn hộ 2 phòng ngủ dành cho gia đình 4 thành viên.
Từ những cơ sở vừa nêu, tôi kiến nghị, liên Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng đưa ra các giải pháp cụ thể để khai thông thị trường BĐS, bởi khi đó sẽ kéo theo hơn 200 ngành nghề khác phát triển.
Tiếp đến là gỡ bỏ thuế lũy tiến đối với cá nhân mua nhiều BĐS. Nhà nước chỉ thu thuế thu nhập cá nhân khi họ bán nhà hoặc chuyển nhượng nền đất do họ đầu tư. Trong trường hợp người dân mua nhà để cho thuê, thì nhà nước thu thuế tiền thuê nhà.
Bên cạnh đó, đối với những dự án lớn, đồng bộ, sản phẩm có giá thành hợp lý, phục vụ cho người có thu nhập trung bình, một phần cho chuyên gia và người có thu nhập cao cần được Nhà nước nhìn nhận như ngành sản xuất để được tiếp cận vốn.
Đồng thời, hạn mức thu hồi đất, giao đất, nhà nước phải đảm bảo không quá 18 tháng và cân nhắc về tiền sử dụng đất thì mới đảm bảo được giá thành sản phẩm hợp lý. Nhà nước cũng cần phải có những chính sách hợp lý và các khoản vay ưu đãi, lãi suất hợp lý để người có thu nhập trung bình tiếp cận được.
Hơn nữa, tại các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp là nơi sản xuất kinh doanh của các công ty nước ngoài, có bảo vệ vòng trong, vòng ngoài nhưng một số địa phương cho các chuyên gia ở trực tiếp tại nhà máy, công sở trong phạm vi KCN; trong khi ở các quốc gia phát triển như Singapore, họ buộc các chuyên gia phải ra ngoài ở, điều này không chỉ kéo theo lượng nhà cho thuê tăng, các dịch vụ đi kèm phát triển mà nhà nước còn thu được thuế.
BÙI THANH TRÚC - Tổng giám đốc Dona Coop