Đây là chia sẻ rất thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trước những bất cập trong công tác quy hoạch tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các khu đô thị, thành phố lớn ở nước ta.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng

Trước hết, phải thấy rằng, trong những năm qua, đặc biệt từ khi đổi mới, cùng với quá trình phát triển kinh tế, đô thị Việt Nam đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, số lượng đô thị được nâng lên, quy mô mở rộng, chất lượng nâng cao. Vai trò của đô thị cũng ngày càng được khẳng định khi m à theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, GDP của đô thị chiếm trên 70% GDP của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì quá trình hình thành và phát triển các khu đô thị lại đang bộc lộ nhiều thách thức, bất cập như thiếu đồng bộ, thiếu quy hoạch, còn phát triển theo hương tự phát, phong trào, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tính kết nối hạ tầng còn yếu, vấn đề ùn tắc giao thông, môi trường ô nhiễm, cảnh quan… ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Lý giải cho hiện tượng này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này, trước hết là do hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư xây dựng, phát triển đô thị còn thiếu đồng bộ, phạm vi điều chỉnh chưa phủ kín, bỏ trống nhiều lĩnh vực, có chỗ chồng chéo, chế tài xử lý vi phạm chưa rõ.

Bất cập trong công tác quy hoạch là một phần nguyên nhân của ùn tắc giao thông.

Bên cạnh đó, quá trình quản lý Nhà nước về xây dựng còn bất cập so với yêu cầu phát triển. Có thể nói, công tác lập quy hoạch đã được các ngành, các địa phương rất quan tâm, đặc biệt là quy hoạch không gian, quy hoạch xây dựng đô thị. 760 đô thị trên cả nước đều có quy hoạch chung, nhưng quy hoạch chậm hơn so với yêu cầu đặt ra. Có những nơi đô thị phát triển rồi mới xong quy hoạch, quy hoạch phải cập nhật hiện trạng đã có.

Ngoài ra, chất lượng quy hoạch nhiều nơi còn thấp, đặc biệt là quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết có tính định hướng cho sự phát triển của đô thị. Hơn nữa, hạ tầng xã hội của một số khu vực phát triển chưa được quan tâm đúng mức, tại một số dự án đô thị chỉ có các hạ tầng của khu, thiếu hạ tầng của vùng, nên chất lượng đô thị bị ảnh hưởng.

“Chúng ta phát triển đô thị nhưng thiếu quy hoạch chi tiết, đặc biệt thiếu thiết kế đô thị, điều lệ quản lý đô thị; công tác thiết kế đô thị còn lúng túng. Nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức đến lập các thiết kế đô thị để quản lý kiến trúc cảnh quan phù hợp với mục tiêu phát triển của mỗi đô thị. Vấn đề điều chỉnh quy hoạch là cần thiết, do chất lượng quy hoạch thấp, nhưng nhiều khi điều chỉnh không vì yêu cầu khách quan mà do yêu cầu của nhà đầu tư, gây bức xúc của dư luận, ảnh hưởng phát triển bền vững. Công tác quản lý thực hiện quy hoạch nhiều bất cập, thiếu sự kiểm soát thống nhất từ Trung ương, phân cấp quá nhiều cho địa phương. Do đó, các dự án phát riển đô thị tự phát, phong trào, việc tăng cường kiểm tra kiểm soát chưa được quan tâm, thiếu những cơ quan quản lý thống nhất, vai trò nhạc trưởng kết nối dự án còn thiếu…”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Và để từng bước tháo gỡ những vướng mắc trên, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan, đặc biệt là về quản lý phát triển đô thị. Và để thực hiện được điều này, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị thay cho Nghị định 02 về khu đô thị mới trước đây; hướng dẫn các Luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường…

“Đây là nghị định tổng hợp với mục tiêu lập lại trật tự quản lý đô thị, phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; đảm bảo tiết kiệm nguồn lực, đặc biệt là đất đai; đảm bảo hạ tầng tốt cho đô thị; đảm bảo môi trường tốt để đô thị phát triển bền vững”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Theo Petrotimes
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.