Quy hoạch... có cũng như không
Ngày 18-9-2006, UBND tỉnh Kiên Giang có Quyết định số 1521/QÐ-UBND phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015 định hướng sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch kỳ đầu của TP Rạch Giá. Năm 2007, tỉnh Kiên Giang lập quy hoạch điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất năm năm (2006-2010) và được Chính phủ phê duyệt, tuy nhiên, TP Rạch Giá vẫn tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Quyết định 1521 của UBND tỉnh. Theo Quyết định 1521, đến năm 2010, trên địa bàn TP Rạch Giá không có khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhưng ngày 31-1-2008, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 257/QÐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Rạch Giá đến năm 2025, thì TP Rạch Giá có ba cụm công nghiệp với diện tích 107,74 ha. Rõ ràng quy hoạch sau đụng quy hoạch trước và trái với Ðiều 13 Luật Xây dựng: quy hoạch xây dựng phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất.
Ở Kiên Giang còn có những quy hoạch xa rời thực tế. Ngày 1-12-2005, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 52/2005/QÐ-UBND phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu của huyện Kiên Lương, trong đó có nội dung: Ðến năm 2010, xã Hòn Nghệ phải chuyển đổi hơn 71 ha rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, tại thời điểm quy hoạch xã đảo Hòn Nghệ lại không có rừng đặc dụng. Mặc dù tỉnh Kiên Giang đã có điều chỉnh quy hoạch chung, nhưng tại huyện Kiên Lương vẫn áp dụng quy hoạch cũ cho nên trong số 86 dự án của huyện này được phê duyệt, triển khai có đến 56 dự án không phù hợp quy hoạch của tỉnh. Ngoài ra, diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp đã giao cho Công ty quốc tế Kiên Tài có đến 22.272 ha đã chuyển sang mục đích nông nghiệp nhưng chỉ có 9.779 ha có quyết định của UBND tỉnh cho phép, nhưng chưa có ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi Công ty quốc tế Kiên Tài giải thể, tỉnh Kiên Giang đã lấy đất này giao, cấp trái quy định cho rất nhiều cán bộ, công nhân, viên chức của tỉnh và huyện.
Còn tại Phú Quốc, trong số 137 dự án dịch vụ - du lịch, có 97 dự án cần xem xét lại. Trong số này có 63 dự án cấp chủ trương đầu tư sai quy hoạch, chồng lấn địa điểm đầu tư, chậm triển khai hoặc nhà đầu tư trả lại dự án; 20 dự án chưa phù hợp mục đích sử dụng đất theo quy hoạch; 14 dự án cấp chủ trương đầu tư nhưng chưa xác định địa điểm, diện tích do chưa có quy hoạch. Công tác quản lý đất rừng tại huyện đảo này vẫn còn lỏng lẻo.
Giá một đằng áp một nẻo
Trước hết phải nhắc đến những khó hiểu tại Dự án tôm sạch do Công ty cổ phần thủy sản Toàn Cầu (gọi tắt là Công ty Toàn Cầu) làm chủ đầu tư tại xã Dương Hòa và thị trấn Kiên Lương, huyện Kiên Lương. Tại dự án này, UBND tỉnh Kiên Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Toàn Cầu, trong đó, diện tích 508.004 m2 đất chưa thực hiện xong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Ðược biết, tại thời điểm Công ty Toàn Cầu nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn 13 hộ dân chưa nhận tiền đền bù giải tỏa và đương nhiên là chưa chịu bàn giao đất. Và đến thời điểm hiện tại, dự án này vẫn còn vướng hai hộ chưa đền bù xong với diện tích 5.918 m2. Theo Quyết định 1421/QÐ-UB của UBND tỉnh Kiên Giang thì tiền đền bù và hỗ trợ về đất mà Công ty Toàn Cầu chi trả cho dân là 5 tỷ 622 triệu 736 nghìn đồng, nhưng Chi cục Thuế huyện Kiên Lương lại khấu trừ đến 5 tỷ 727 triệu 492 nghìn 386 đồng tiền đền bù vào tiền sử dụng đất, gây thất thoát cho ngân sách 104 triệu 756 nghìn 386 đồng. Không chỉ vậy, căn cứ vào Khoản 1, Ðiều 4 - Nghị định 84/2007/NÐ-CP của Chính phủ và bảng giá đất năm 2010 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang do UBND tỉnh này ban hành thì ngân sách nhà nước còn bị thất thu 1 tỷ 871 triệu 692 nghìn 632 đồng tiền sử dụng đất.
Tại dự án của cơ sở sản xuất kinh doanh Lê Thị Chỉ ở thị trấn Dương Ðông, huyện Phú Quốc cũng có những sai phạm tương tự. Theo Bảng giá đất năm 2008 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được ban hành theo Quyết định 45/2007/QÐ-UBND ngày 21-12-2007 của UBND tỉnh Kiên Giang thì giá đất tại vị trí thực hiện dự án là 1 triệu 225 nghìn đồng/m2. Giá đất này được xác định là phù hợp giá chuyển nhượng tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, đến khi tính tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, Chi cục Thuế huyện Phú Quốc lại áp dụng một bảng giá đất khác. Cơ quan thuế huyện Phú Quốc còn có"sáng kiến" khi áp dụng đơn giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp đối với 419 m2 đất cơ sở sản xuất, kinh doanh được chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, dẫn đến ngân sách nhà nước thất thu 747 triệu 825 nghìn 600 đồng.
Tại một số dự án đầu tư khác cũng đã xảy ra tình trạng tương tự, khi cơ quan nhà nước cố tình áp giá đất không đúng quy định, hoặc khấu trừ tiền đền bù và hỗ trợ về đất vào tiền sử dụng đất đối với cả diện tích đất nhà nước giao không thu tiền, gây thất thu nhiều tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Kiên quyết xử lý những sai phạm
Theo Báo cáo Kết luận số 478, ngày 12-3-2012 của Thanh tra Chính phủ, những sai phạm trong quản lý sử dụng đất đai và các dự án đầu tư tại tỉnh Kiên Giang trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh và các sở: Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc và Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá, huyện Kiên Lương, Phú Quốc... Qua đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, chấn chỉnh công tác quy hoạch về đất đai, đầu tư xây dựng nói chung và quản lý quy hoạch xây dựng đô thị nói riêng trên địa bàn tỉnh. Chấm dứt việc thỏa thuận địa điểm, giao đất, cho thuê đất đối với các dự án ngoài hoặc vượt chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc rà soát lại và có biện pháp thu hồi chủ trương đầu tư đối với 97 dự án do chậm triển khai, không phù hợp quy hoạch hoặc nhà đầu tư bỏ cuộc. Chỉ đạo UBND huyện Kiên Lương chấm dứt việc quyết định giá đất trái thẩm quyền. UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức xác định lại giá đất để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức và cá nhân trong các dự án khu dân cư, khu đô thị do UBND huyện Kiên Lương làm chủ đầu tư tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Xem xét xử phạt hành chính đối với hành vi chậm lập hồ sơ quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản của dự án lấn biển mở rộng TP Rạch Giá. Chỉ đạo quỹ đầu tư phát triển tỉnh Kiên Giang nộp 3,12 tỷ đồng ứng tiền sử dụng đất của dự án lấn biển và lãi phát sinh tương ứng...
Ðồng thời, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang xử lý về kinh tế với tổng số tiền hơn 137,9 tỷ đồng. Kiểm điểm nghiêm túc, tùy theo tính chất mức độ vi phạm để có hình thức xử lý phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý đối với các tổ chức và cá nhân có sai phạm.