25/10/2014 6:23 PM
Sau 7 năm triển khai phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước theo Quyết định số 09/2007/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay tiến độ thực hiện trên địa bàn Hà Nội vẫn rất chậm, mặc dù ngày 30/6/2015 là thời hạn cuối cùng phải hoàn thành.

Nhiều cơ sở nhà, đất cho thuê, liên doanh liên kết, sử dụng không đúng mục đích, để lãng phí, đặc biệt nợ đọng tiền thuê nhà, đất… vẫn chưa có báo cáo tổng hợp đầy đủ và biện pháp xử lý dứt điểm.

Đã đến lúc thành phố Hà Nội cần tập trung đẩy nhanh tiến độ kiểm tra, thẩm định lại các cơ sở nhà, đất đảm bảo chất lượng và khả thi; đồng thời phải kiên quyết xử lý đối với các đơn vị cố tình vi phạm nhằm phát huy hiệu quả và giá trị nguồn tài nguyên đất đai này.

*Hàng loạt nhà đất công bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích

Theo Sở Tài chính Hà Nội, đơn vị thường trực Ban chỉ đạo 09 của thành phố, tính đến tháng 6/2014, hầu hết các cơ quan, đơn vị của thành phố đã thực hiện kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý 10.633 cơ sở nhà, đất với diện tích hơn 9,4 triệu m2 nhà và khoảng 3.513 ha đất (đạt 95% khối lượng cần sắp xếp).

Ban chỉ đạo 09 đã trình UBND thành phố ban hành 140 quyết định phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất của thành phố. Đối với khối cơ quan Trung ương đã kê khai, phê duyệt được 1.748/2.171 cơ sở nhà, đất; trong đó, thành phố đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 1.260 cơ sở, đạt 58%.

Thành phố đã thu được 4.327 tỷ đồng từ bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất sau khi sắp xếp lại; 2.100 cơ sở nhà, đất được cấp giấy chứng nhận.

Mặc dù đã cố gắng, song theo đánh giá của Đoàn Giám sát HĐND thành phố Hà Nội, kết quả thực hiện Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Hà Nội chưa đạt so với yêu cầu. Việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt diễn ra rất chậm, mới thực hiện được khoảng 40%.

Đáng lo ngại, sự chậm trễ này đã và đang tạo ra những lỗ hổng, tiếp tay cho hàng loạt sai phạm lấn chiếm, vi phạm nhà, đất công. Nhiều cơ sở nhà, đất cho thuê, liên doanh liên kết, sử dụng không đúng mục đích, để lãng phí phải thu hồi nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều trường hợp giao công ty Nhà nước tiếp tục sử dụng vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất, chưa có quyết định cho thuê đất.

Điển hình, tại Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội, đơn vị được giao quản lý 1.075 cơ sở nhà đất với khoảng 189.000 m2 nhà và 16,6 ha đất thì có đến 152 điểm sử dụng sai mục đích.

Nghiêm trọng hơn, đơn vị này còn tự ý bố trí cho 14 doanh nghiệp được sử dụng 4.137m2 tại quỹ nhà kinh doanh dịch vụ khu chung cư tái định cư khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Số tiền tạm thu từ các doanh nghiệp cũng chưa được công ty báo cáo kịp thời, chưa được xác định đúng và đủ theo quy định.

Điều này cho thấy có dấu hiệu thất thoát, buông lỏng trong quản lý, quy trình quản lý cần phải rà soát, có giải pháp khắc phục ngay. Theo Cục Thuế Hà Nội, toàn bộ số tiền nợ đọng của Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội lên tới gần 200 tỷ đồng, nhưng hiện con số này chưa thống nhất?

Hay một số đơn vị sự nghiệp của Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Nội cho thuê diện tích kinh doanh chưa được cấp thẩm quyền cho phép, một số hộ dân lấn chiếm sử dụng làm nhà ở vẫn chưa được lập phương án di dời. Một số đơn vị của Thành đoàn Hà Nội như Cung Thanh niên cho thuê một phần diện tích số 3 Tăng Bạt Hổ làm nhà hàng gần chục năm nay nhưng không được xem xét, xử lý theo quy định.

Trong khi đó, theo phương án sắp xếp của Tổng công ty Thương mại Hà Nội được duyệt, tổng số cơ sở nhà đất bị thu hồi bán đấu giá là 83, đã bàn giao được 32 cơ sở, nhưng mới bán đấu giá được 16 cơ sở, 16 cơ sở còn lại bàn giao từ nhiều năm nhưng vẫn đang để trống, không sử dụng.

Hiện Tổng công ty này cũng có 4 điểm bị chiếm dụng, tranh chấp tại các vị trí đắc địa tại các quận nội thành; hay tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tràng Thi còn 28/34 địa điểm chưa có quyết định cho thuê đất...

*Cần xử lý dứt điểm các vi phạm

Lý giải về các vấn đề trên, Phó Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, do Hà Nội có khối lượng cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lớn, trải qua nhiều thời kỳ, giai đoạn nguồn gốc hình thành phức tạp nên cần có nhiều thời gian để rà soát, kiểm tra, phân loại.

Hơn nữa, công tác quy hoạch có nhiều thay đổi, nhất là sau khi có quy hoạch chung, phân khu hay cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp di dời ra khỏi nội thành không phù hợp, hấp dẫn nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ sắp xếp.

Bên cạnh đó, chất lượng của một số phương án sắp xếp chưa cao, chưa tính đến yếu tố đặc thù phù hợp với tính chất hoạt động của từng đơn vị, nội dung thiếu khả thi nên không đủ điều kiện thực hiện, phần lớn dựa trên hiện trạng sử dụng. Đối với khối công ty Nhà nước, một số phương án sắp xếp chưa gắn kết với quy hoạch ngành, với kế hoạch cổ phần hóa, sắp xếp doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ rõ, có sự buông lỏng quản lý của cả cơ quan quản lý Nhà nước lẫn các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng trực tiếp dẫn đến nhiều cơ sở nhà, đất cho thuê bị lấn chiếm, chuyển nhượng trái phép.

Đặc biệt, rào cản tâm lý về lợi ích có tác động đến việc các đơn vị kê khai, lập phương án sắp xếp lại, nhất là đối với các đơn vị có cơ sở bị điều chuyển, thu hồi. Nhiều trường hợp khó nên nảy sinh tâm lý ngại xử lý, chưa quyết tâm tập trung tháo gỡ vướng mắc để giải quyết triệt để.

Có thể dẫn chứng, từ năm 2010 đến nay, Sở Quy hoạch – Kiến trúc nhiều lần giới thiệu địa điểm cho Công ty đầu tư công nghiệp thanh niên để di dời khỏi trụ sở cơ quan Thành đoàn Hà Nội tại 14A Phan Chu Trinh nhưng công ty này không đồng thuận, song Thành đoàn Hà Nội và Sở Quy hoạch - Kiến trúc chưa phối hợp báo cáo thành phố để có biện pháp xử lý kiên quyết?

Sở Xây dựng chưa chủ động kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm của Công ty Quản lý và Phát triển Nhà trong quá trình quản lý quỹ nhà kinh doanh dịch vụ ở các khu chung cư tái định cư để kịp chấn chỉnh, xử lý theo quy định.

Cũng nói thêm rằng, những tồn tại trên, điển hình là việc quản lý quỹ nhà chuyên dùng kinh doanh, dịch vụ của Công ty Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đã được Đoàn giám sát của HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố từ năm 2012 (tại báo cáo số 53/BC – HĐND ngày 20/9/2012) nhưng đến nay vẫn chưa được UBND thành phố chỉ đạo thực hiện hiệu quả, đồng bộ và quyết liệt.

Thời gian không còn nhiều, thành phố Hà Nội cần tập trung đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện; đặc biệt cần có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp cố tình vi phạm. Đây chính là điều kiện để Hà Nội bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách, đồng thời góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Minh Nghĩa (Báo Tin tức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.