Muốn vậy phải có sự tham gia góp ý của nhiều cơ quan, tổ chức, cá
nhân trong xã hội mà báo chí là một kênh chuyển tải quan trọng. Không
phải bằng ý kiến chủ quan, đụng đâu phê đó, vạch lá tìm sâu mà với tinh
thần xây dựng, báo chí đã chịu khó tìm tòi, hỏi ý kiến các chuyên gia
giàu kinh nghiệm lẫn những cơ quan, những người dân sẽ chịu tác động bởi
chủ trương, chính sách ấy. Những điều đó cốt yếu nhằm giúp cơ quan có
thẩm quyền đo được dư luận, có được những thông tin sát dân để đánh giá
vấn đề nhiều chiều hơn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sự đóng góp này đã chưa được ghi nhận đúng mức. Chẳng hạn trường hợp Quyết định 64/2011 của TP.HCM về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích vượt hạn mức phải nộp theo giá thị trường. Theo Quyết định 64, phần diện tích đất ở vượt hạn mức được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất (hai lần giá quy định) không quá 50% hạn mức giao đất ở mới trên địa bàn quận, huyện, phần còn lại UBND quận, huyện phải thuê tổ chức thẩm định giá để xác định giá đất sát với giá thị trường.
Với nội dung này, TP đã quay trở lại triển khai một quy định vốn
đang vướng từ bao lâu nay: Nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sẽ phải
thẩm định giá thị trường khi muốn nộp tiền sử dụng đất! Điều đáng nói
là ngay khi TP chỉ đạo xây dựng lại dự thảo với chủ trương trên, báo chí
đã lên tiếng cảnh báo những khó khăn, vướng mắc có thể xảy ra nhưng các
góp ý này dường như đã không được cơ quan có thẩm quyền chú ý, ghi nhận
để cân nhắc, xem xét thấu đáo trước khi ban hành. Và đến hôm nay, kết
quả đã nhìn thấy trước mắt: Người dân gần như hoàn toàn thờ ơ với Quyết
định 64, nghĩa là ách tắc vẫn hoàn ách tắc. Quyết định 64 mới chỉ tháo
gỡ được cho rất ít trường hợp, trong khi đó rất nhiều những khó khăn,
vướng mắc phát sinh từ khi Nghị định 69/2009 có hiệu lực đến nay vẫn y
nguyên.
Có thể TP cũng có cái lý và cái khó của mình bởi phải chịu trách nhiệm khi ký một quyết định quá quan trọng, liên quan đến tài chính, đến thu ngân sách. Tuy nhiên, nếu chỉ nghĩ đến khía cạnh bảo đảm an toàn cho cơ quan quản lý nhà nước thì sẽ đẩy cái khó trở lại cho người dân. Một chính sách tốt sẽ phải dung hòa, đáp ứng cả hai mục tiêu vừa đảm bảo quản lý thông suốt, vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân trên tinh thần thuận lợi nhất cho dân. Và để góp phần có được điều ấy, kênh phản biện qua báo chí lẽ ra không nên bị bỏ qua!