02/03/2017 10:09 AM
Để chống ùn tắc giao thông, nhiều năm qua TPHCM đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng kết quả đạt được còn rất hạn chế. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân về quy hoạch đô thị.
Vì thế, ngay khi những công việc đầu tiên của dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được thực hiện, nhiều ý kiến cho rằng đây là cơ hội “vàng” để TPHCM “vun” dân, chỉnh trang đô thị theo hướng phát triển bền vững, chống ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tốc độ phát triển đô thị nhanh hơn hạ tầng giao thông vẫn đang là bài toán mà cơ quan quản lý quy hoạch cần giải quyết.
Vào thời điểm công bố đồ án quy hoạch đô thị mới Thủ Thiêm cách nay gần 20 năm, TS. Trần Du Lịch, khi đó là Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, đã đề nghị tạm thời không đầu tư vào khu vực trung tâm hiện hữu mà hướng tất cả sự quan tâm của nhà đầu tư vào Thủ Thiêm. Tiếc rằng, đề nghị ấy chưa được quan tâm.
Một thời gian dài, nhiều nhà đầu tư chỉ chăm chăm xin được đầu tư vào khu trung tâm hiện hữu. Hệ quả, hệ thống hạ tầng hiện hữu quá tải đã khiến khu trung tâm trở thành khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông cao nhất TP. Rồi sau khu trung tâm TP, khu trung tâm của các quận, huyện cũng lần lượt có nguy cơ ùn tắc giao thông cao do ngày càng có nhiều khu dân cư mới với nhiều dãy nhà cao tầng xuất hiện.
Thực trạng trên đã cho thấy việc nén các cao ốc vào lõi trung tâm trong khi hạ tầng không theo kịp, là một trong những nguyên nhân góp phần làm ùn tắc giao thông. Trong khi đó, các giải pháp TP đưa ra hiện nay đều là giải pháp kỹ thuật, không giải quyết được bản chất vấn đề một cách căn cơ.
Chẳng hạn, để giảm xe thì không được phép xây dựng thêm cao ốc ở khu trung tâm quận 1 và 3. Thực tế từ trước 1975 đã có ý định xây dựng một khu trung tâm giống quận 1 - 3 ở nơi khác, vì thời điểm đó người ta đã nhìn thấy vài chục năm sau khu vực này sẽ quá tải. Vì thế, đã đến lúc phải chấm dứt tuyệt đối và kiên quyết không phát triển nhà cao tầng ở quận 1 và 3.
Bên cạnh đó, sớm xây dựng một khu trung tâm mới giống 2 quận ở phía Đông Bắc hoặc Tây Bắc của TP và phải tương đối xa so với khu trung tâm hiện nay. Đây là bài học từ Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc), Manila (Philippines), họ đều xây dựng các trung tâm mới như thế. Trung tâm mới này phải thật sự hiện đại mang tầm quốc tế và sẽ chuyển một số cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ra đó. Người dân sẽ tự động dịch chuyển theo và làm giảm áp lực ở khu trung tâm hiện nay.
Từ đầu năm đến nay, trong nhiều cuộc họp giữa Chính phủ và TPHCM bàn về các giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại TP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng cùng bộ trưởng nhiều bộ đã đề nghị TPHCM giãn kế hoạch xây dựng các cao ốc trong nội thành cho đến khi đảm bảo cơ bản hệ thống hạ tầng kỹ thuật đi kèm.
Một vấn đề đặt ra là với doanh nghiệp, lợi nhuận rất quan trọng. Và chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư tìm mọi cách để được xây dựng cao ốc trong nội thành, nhất là đối với các cao ốc đã được chấp thuận chủ trương. Chính vì thế, chúng ta cần tận dụng nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng” để xử lý các vấn đề liên quan đến đầu tư.
Giải pháp khả thi nhất: TPHCM nên ban hành hoặc đề xuất Chính phủ ban hành nhiều cơ chế ưu đãi trong đầu tư đối với các nhà đầu tư tham gia phát triển các khu đô thị vệ tinh hoặc các khu đô thị nằm ở khu vực đầu mối các trục giao thông lớn như nhà ga các tuyến metro, BRT… Cơ chế ưu đãi này phải hấp dẫn để nhà đầu tư sẵn sàng chuyển đầu tư ở khu vực nội thành, đặc biệt là khu trung tâm ra đầu tư xây dựng các đô thị vệ tinh hoặc các khu dân cư mới gắn liền với các đầu mối giao thông.
Chưa hết, cùng với việc kêu gọi đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh, TPHCM phải có kế hoạch kêu gọi đầu tư vào hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đến các đô thị này. Giao thông thuận tiện sẽ kéo người dân giãn ra nơi đây.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng từng nhấn mạnh với xu hướng tăng dân số cơ học và xu hướng nén đô thị như hiện nay không bao giờ giải quyết được ùn tắc. Do đó, cần phải thay đổi vị trí trung tâm hành chính giống như các nước trên thế giới đã làm.
“Về lâu dài, chúng ta không chuyển được trung tâm hành chính TP ra chỗ khác sẽ không giải quyết được vấn đề ùn tắc mà chỉ có thể làm chắp vá. Với các giải pháp công trình, phi công trình có thể giải quyết được ùn tắc nhưng chỉ được vài năm lại bắt đầu ùn tắc. Vì thế cần phải tính đến những không gian phát triển đô thị mới để kéo giãn dân ra. Và để thực hiện tốt việc này cần công tác tuyên truyền vận động, cũng như sự đồng thuận của TP hơn 10 triệu dân” - Bí thư Thăng nói.
Đầu tư tài chính
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.