Sau khi đường được nâng cao để chống ngập thì nhà dân lọt thỏm, có nhà thấp hơn mặt đường cả mét!

“Hẻm 27 đường Âu Dương Lân (phường 3, quận 8, TP.HCM) là hẻm cụt, chỉ có 31 hộ dân. Từ trước đến nay triều cường, mưa lớn không gây ngập hẻm, nước không tràn vào nhà dân. Nay UBND phường 3 có kế hoạch nâng cao hẻm 40-65 cm, như vậy nước sẽ tràn vào nhà dân” - đơn khiếu nại của ông Đinh Tiến Vững ngụ 27-23 Âu Dương Lân nêu.


Đó cũng là ý kiến chung của một số hộ dân ở hẻm 27 đường Âu Dương Lân phải đối diện với cảnh nước tràn vào nhà do nâng đường.


Nước dốc vào nhà dân


Việc nâng mặt hẻm 27 đường Âu Dương Lân là để “bằng chị, bằng em” do trục đường Âu Dương Lân vừa được nâng cao. Nhưng nhiều hộ: “Nhiều trận mưa lớn kéo dài hàng giờ, triều cường dâng cao, hẻm này có ngập đâu mà nâng đường lên cao vậy?” - bà Võ Thị Bạch Tuyết (nhà 27/17) nói.


Cũng như những hộ khác, bà Tuyết đồng ý với việc chỉnh trang hẻm cho sạch đẹp nhưng không cần thiết phải nâng hẻm quá cao.


Bi hài cuộc đua nâng đường - nâng nhà - Bài 1: Nhà bỗng thành hang!

Mặt đường cao, khách ngồi trong quán như lọt thỏm xuống đất. (Ảnh chụp trên đường Nguyễn Văn Luông). Ảnh: HTD


“Hẻm không ngập mà nhà dân ngập thì việc nâng hẻm không đạt được mục đích” - ông Đinh Tiến Vững phản ứng.


Tương tự, hàng loạt hẻm dọc theo các tuyến đường Phạm Văn Chí, Cao Văn Lầu, Nguyễn Văn Luông (quận 6), Nguyễn Thị Thập, Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… đã bị dốc nước vào sau khi các tuyến đường này được nâng cao. “Trước đây, đường Nguyễn Văn Luông thường xuyên bị ngập nên cơ quan chức năng mới tôn cao tuyến đường này. Kể từ đó, nước bắt đầu đổ vào các hẻm dọc hai bên đường” - bà Nguyễn Thị D. ngụ 357 Nguyễn Văn Luông phản ánh.


Nhà nhà có tầng hầm!


Trong những ngày qua, người dân dọc tuyến đường Kha Vạn Cân, đoạn từ ngã ba Linh Đông - Kha Vạn Cân đến chợ Thủ Đức (quận Thủ Đức) tỏ ra bối rối trước việc địa phương thực hiện dự án nâng cấp, sửa chữa đường để chống ngập.Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều hố ga đã nhô cao hơn mặt đường quá đầu gối. Đơn vị thi công đang đổ bê tông làm “bờ kè” cao hơn 1 m (tính từ chiều cao đường hiện hữu) để đổ cát, nâng đường. Một kỹ sư giám sát thi công của dự án cho biết, đây được coi là “cốt” của tuyến đường. Tại nhiều vị trí, bờ kè chiếm hết phân nửa tầng trệt của nhiều căn nhà. Chủ nhà 604 nói: “Nâng đường như vậy, tầng trệt căn nhà của tôi và nhiều căn nhà khác nữa có lẽ phải chuyển thành… tầng hầm”.


Tương tự, hầu hết các căn nhà mặt tiền dọc tuyến đường Cao Văn Lầu, Phạm Văn Chí (quận 6) lọt thỏm, thấp hơn mặt đường từ 60 đến 80 cm, cá biệt có nơi thấp hơn mặt đường gần cả mét. Các tấm dắt xe trước đây được người dân quay ra thì nay phải làm cao lên và phải quay ngược trở lại vào nhà. Nhà 62 Cao Văn Lầu trước đây vốn cao hơn mặt đường thì nay bị “âm” hơn 0,5 m; nhà 52 Cao Văn Lầu cũng hằng ngày… vượt dốc cao khoảng 0,7 cm đưa chiếc xe máy từ nhà ra đường hoặc ngược lại.


Bi hài cuộc đua nâng đường - nâng nhà - Bài 1: Nhà bỗng thành hang!

Đường Phạm Văn Chí, quận 6 được nâng lên xấp xỉ bằng cửa sổ nhà dân. Ảnh: HTD


Bi hài cuộc đua nâng đường - nâng nhà - Bài 1: Nhà bỗng thành hang!

Do chưa nâng nền nên cửa hàng làm sắt này phải múc nước đổ ra ngoài nhà sau cơn mưa. (Ảnh chụp trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức).Ảnh: HTD


Buộc dân đua theo, nâng nhà


Khi việc nâng đường được tiến hành, là đồng loạt những nhà dân dọc nhiều tuyến đường ở các quận 6, 7, 8, 9, Thủ Đức, Gò Vấp… cùng nâng nền, sửa nhà. Trong số đó có nhiều nhà xây cách đây không lâu, chủ nhà đã lường trước việc nâng đường nhưng khi nâng đường thì nhà họ vẫn không thoát được cảnh biến thành hang!


Theo kiến trúc sư Nguyễn Triêu Dương (Trường ĐH Văn Lang), trên thực tế, người dân thường xây cao hơn mặt đường nhằm phòng xa, thậm chí có nhà cao hơn mặt đường đến cả mét nhưng một thời gian sau vẫn bị lạc hậu, do họ không thể tính độ cao nền nhà phù hợp với cao trình (tương lai) của đường.


Thế nhưng ông Đinh Tiến Vững phản ứng: “Tính thế nào cho ra được cốt chuẩn cho nhà bây giờ? Hẻm 27 đường Âu Dương Lân đã được nâng lên nhiều lần. Cứ mỗi lần vậy là tôi phải “chạy” theo và sau ba lần, nền nhà đã nâng cao cả mét so với trước. Kết quả là tầng trệt căn nhà tôi hiện độ cao chỉ hơn 2 m một chút. Với thông báo nâng hẻm lần này thì làm sao có thể ở được. Không lẽ biến tầng trệt thành hầm?”.


Bị dân đòi kiện

Việc nâng đường không chỉ diễn ra ở các khu dân cư cũ mà còn xảy ra ở nhiều khu dân cư mới. Điển hình như chủ dự án khu dân cư Sông Đà (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) là Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Sông Đà đang nâng toàn bộ các tuyến đường trong dự án lên cao để chống ngập. Mức nâng theo thông báo từ 60 đến 80 cm nhưng thực tế có nơi còn cao hơn.

Việc nâng đường này đã gây ra phản ứng từ phía khoảng 500 hộ dân khu vực này, bởi nhiều nhà dân đang cao hơn mặt đường đã bị lọt thỏm xuống thấp. “Nhiều người dân rất bức xúc và họ đang thảo đơn, chuẩn bị chứng cứ để khiếu nại và có thể kiện ra tòa yêu cầu chủ đầu tư bồi thường thiệt hại do việc nâng đường gây ra” - ông Mai Thanh Quang, tổ trưởng tổ dân phố 40B cho hay.


Theo MInh Phong (Pháp Luật TP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.