Trong hai kết luận thanh tra trong quý III/2012 mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố, nổi lên vấn đề về một số doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương đặc biệt ưu đãi.

Thanh tra Chính phủ phát hiện sai sót tại Dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê

Nhiều sai sót trong quản lý đầu tư xây dựng dự án

Trong quý III/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến đối với 4 kết luận thanh tra. Trong đó, đáng chú ý là kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Luật Đấu thầu và thanh tra quản lý đầu tư xây dựng một số dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2001 - 2005.

Về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2005 - 2011, Thanh tra Chính phủ đã thanh tra trực tiếp 4 dự án, gồm: Dự án Đường cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biển Bình Sơn - Lai Thành; Dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê thuộc di tích cố đô Hoa Lư; Dự án Đường giao thông đến trung tâm các xã vùng kinh tế mới ven biển huyện Kim Sơn và Dự án Cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung (huyện Nho Quan). Qua đó, phát hiện nhiều sai sót, khuyết điểm trong công tác thẩm định, phê duyệt dự án, dự toán, đấu thầu, bảo lãnh, tạm ứng thanh toán…

Điển hình, tại Dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý cho Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tiếp tục thực hiện khối lượng điều chỉnh bổ sung phần xây lắp là 1.566 tỷ đồng, nhưng không có hồ sơ đề xuất lại của nhà thầu, không có báo cáo thẩm tra và phê duyệt để chứng minh khả năng thi công Dự án.

Về công tác bảo lãnh, tạm ứng thanh toán tại Dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, kết luận thanh tra nêu rõ: “Sau 4 lần điều chỉnh giá trị hợp đồng từ 126 tỷ đồng lên 1.405 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư không yêu cầu nhà thầu thi công bổ sung bảo lãnh thực hiện hợp đồng (theo quy định tại Luật Đấu thầu và Nghị định 58/2008/NĐ-CP, nhà thầu phải bổ sung giá trị bảo lãnh và kéo dài thời gian bảo lãnh phù hợp với các điều kiện mới sau các lần điều chỉnh).

Thanh tra Chính phủ đã đề nghị giảm trừ, bổ sung vào dự toán của 4 dự án trên gần 30 tỷ đồng. Trong đó, Dự án Đường cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng biển Bình Sơn -Lai Thành giảm trừ khi quyết toán hơn 2,1 tỷ đồng, bổ sung vào dự toán gần 14 tỷ đồng; Dự án Nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê giảm trừ dự toán hơn 19,6 tỷ đồng, giảm trừ quyết toán cầu Hội, Yên Trạch hơn 3 tỷ đồng; Dự án Đường giao thông đến trung tâm các xã vùng kinh tế mới ven biển huyện Kim Sơn giảm trừ dự toán hơn 1,3 tỷ đồng và Dự án Cải tạo, nâng cấp hồ Thường Xung giảm trừ dự toán gần 3 tỷ đồng, bổ sung dự toán 933 triệu đồng.

Tại kết luận thanh tra công tác quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Luật Đấu thầu, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, nhiều gói thầu, dự án không thuộc trường hợp được áp dụng chỉ định thầu, cần được tổ chức đấu thầu rộng rãi, hoặc áp dụng các hình thức lựa chọn khác của quy định Luật Đấu thầu, nhưng một số bộ, ngành, địa phương vẫn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng hình thức chỉ định thầu, không phù hợp mục tiêu của công tác đấu thầu.

Có một số dự án chưa có quyết định đầu tư, chưa được bố trí vốn, chưa có thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt, lý do không hợp lý, các cam kết về vốn, về tiến độ không khả thi, nhưng quá trình thẩm định không được Bộ phân tích, làm rõ, kiến nghị báo cáo Thủ tướng. Việc tạm ứng và thu hồi tạm ứng vốn đầu tư xây dựng công trình cho nhà thầu là Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường tại Dự án Xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng, Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch sinh thái Tràng An do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Bình làm chủ đầu tư còn bất hợp lý, không phù hợp về tiến độ dự án, gây thiệt hại cho ngân sách…

Đáng chú ý, kết luận trên chỉ rõ tình trạng phổ biến chỉ định thầu cùng lúc nhiều gói thầu có giá trị lớn cho một số nhà thầu, như Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Thành, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK... Việc chỉ định thầu bất thường này dẫn đến nhà thầu bị quá tải, không đủ năng lực thi công, năng lực tài chính, không đáp ứng yêu cầu về mặt tiến độ của gói thầu, dự án kéo dài, hiệu quả kinh tế thấp, gây bức xúc ở địa phương, đặc biệt là các dự án giao thông.

Thanh tra cũng chỉ rõ, các dự án nằm trong danh mục chỉ định thầu chủ yếu sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ và hầu hết chưa được bố trí đủ vốn. Trên thực tế, các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện đúng cam kết bố trí đủ vốn khi trình văn bản xin phép chỉ định thầu. Một số dự án đầu tư còn vượt quá khả năng thực tế, không tập trung đủ nguồn lực của Trung ương, cũng như địa phương, nên dẫn đến không có khả năng thực hiện dự án, hoặc dự án bị kéo dài quá lâu và lấy lý do đó làm nguyên nhân xin áp dụng chỉ định thầu, yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công sai quy định của Luật Đấu thầu.

Chuẩn bị công bố kết quả 10 cuộc thanh tra

Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện 10 kết luận thanh tra, trong đó có nhiều cuộc thanh tra tại các đơn vị lớn, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đang hoàn thành kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật một số ngân hàng, như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank)…

Theo ông Khánh, việc thanh tra tập trung vào những tập đoàn, đơn vị lớn hoạt động trên diện rộng, ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nên Thanh tra Chính phủ phải mất rất nhiều thời gian. “Có những cuộc thanh tra khi trình, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đơn vị, bộ, ngành có liên quan cho ý kiến để Thủ tướng kết luận. Những cuộc thanh tra này, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố sau khi có ý kiến của Thủ tướng”, ông Khánh cho biết.

Theo Hữu Tuấn (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.