27/02/2018 7:54 AM
Bày tỏ quan điểm về những bất cập trong công tác quy hoạch hiện nay, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, “đau” nhất có lẽ vẫn là các công trình trong ngành hàng không.
Quy hoạch của Hà Nội hiện nay có nhiều bất cập, nhất là liên quan phát triển hệ thống giao thông. Ảnh: Internet
“Có nhà ga, sân bay nào vừa đầu tư xong mà lại không xin cải tạo mở rộng, nâng cấp?”, ông Dũng đặt câu hỏi và bản thân ông không thể hiểu nổi khi sân bay nào cũng có tình trạng này. Ví dụ, sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vừa khánh thành đã ngay lập tức có đề nghị nâng cấp. Sân bay Nha Trang mới hoàn thành nhưng cũng đã phải xin nâng cấp 2 – 3 lần.
Riêng sân bay Tân Sơn Nhất, dù không rõ có thực hay không, nhưng Bộ trưởng Dũng có nghe báo lại cáo rằng, từ khi giải phóng đến nay đã cải tạo đến…17 lần, còn nhà ga sân bay Nội Bài cũng nâng cấp không biết bao nhiêu lần.
“Ở đây là vấn đề tư duy và tầm nhìn, kể cả cơ quan tư vấn lẫn cơ quan quyết định đầu tư đang có tầm nhìn quá ngắn, tôi chỉ thấy cơi nới và mở rộng”, ông Dũng bức xúc.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng thêm, đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Ghẽ đã mở rộng đến 3 lần. Trao đổi với ông Dũng về câu chuyện này, ông Nguyễn Đức Chung ( Chủ tịch UBND TP. Hà Nội) đã chia sẻ, người dân phản ánh đến ông Chung rằng, trong 10 năm nhà của họ đã “chặt” đến 3 lần. Hết chặt, mở rộng rồi lại nâng cấp.
Ông Chung thừa nhận, nếu như những năm 1990, Hà Nội lấy rộng ra hai bên 200-300 m mặt đường thì thành phố đã có đủ tiền để phát triển hạ tầng không kém gì các nước khác. Nhưng đến giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch "băm nát" Hà Nội. Năm qua, những khu đất 5-7 ha cũng bị "băm" ra cho 2-3 chủ đầu tư.
“Tôi không hiểu đằng sau có gì người ta xin nhau hay không, nhưng tóm lại làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được”, ông Chung cho biết.
Với tư duy như vậy sẽ làm thiệt hại cho đất nước không biết bao nhiêu tiền, nhưng có điều lạ mà ông Dũng nhận thấy, là dù công tác quy hoạch kém cỏi như thế nhưng không thấy ai nói gì, không quy trách nhiệm được cho ai.
Nếu làm một lần, vài chục năm sau chưa phải sửa chữa thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều khi năm trước vừa làm, năm sau đã sửa, đem cộng lại thì không biết nhà nước và người dân tốn kém bao nhiêu tiền của.
Cái mất lớn hơn cả, theo ông Dũng là mất đi các cơ hội phát triển. Khi chúng ta có hệ thống giao thông tốt, đồng bộ, hiện đại thì xã hội và nền kinh tế sẽ phát triển nhanh, hiệu quả hơn rất nhiều.
Ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn đánh giá, quy hoạch của Hà Nội hiện nay có nhiều bất cập, nhất là liên quan phát triển hệ thống giao thông, có nhiều khu mới xây dựng đã khiến giao thông bắt đầu tắc trầm trọng.
“Hiện nay có tình trạng cấp phép một đằng nhưng khi xây dựng lại khác. Nhiều khu đô thị mới cấp phép hơn 20 tầng thì xây đến hơn 40 tầng. Chắc chắn Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đang bị sức ép rất lớn về chuyện này”, ông Cường bày tỏ.
Nguyễn Việt (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.