CafeLand – Thông tin Chính phủ sẽ tiếp tục tung ra gói tín dụng trị giá 100 nghìn tỷ để hỗ trợ thị trường bất động sản đã tạo niềm hy vọng khấp khởi trong phút chốc cho thị trường nhà đất, trước khi bị dập tắt bởi đó chỉ là sự hiểu lầm của báo chí trong phát ngôn của TS. Lê Xuân Nghĩa. Tuy nhiên, liệu 30 hay 100 nghìn tỷ có hâm nóng được thị trường bất động sản?

Nếu gói 100.000 tỷ đồng trở thành hiện thực, rất có thể thị trường nhà đất 2014 sẽ là thời điểm kết thúc cho chuỗi dài khủng hoảng và đỗ vỡ của bất động sản suốt nhiều năm qua. Ảnh: KL

Về tiến độ giải ngân gói 30 nghìn tỷ, số tiền giải ngân tính đến 15/2/2014 chỉ đạt 3,6%. Được triển khai từ ngày 1/6/2013, gói hỗ trợ thị trường bất động sản ra đời với mục đích hỗ trợ cho người có thu nhập thấp vay vốn mua nhà, nhưng thực tế triển khai trong thời gian qua đã vấp phải nhiều khó khăn, trở ngại làm tốc độ giải ngân rất chậm chạp.

Nhằm tháo gỡ những bế tắc trên, mới đây, Vụ Tín dụng, NHNN đã đề xuất kéo dài thời hạn cho vay mua nhà đối với khách hàng cá nhân từ 10 năm lên 15 năm và hạ lãi suất cho vay xuống 5% ngay từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, các giải pháp này vẫn chưa tạo ra sự thay đổi nào đáng kể trong việc triển khai gói hỗ trợ.

Người đứng đầu Bộ Xây dựng cũng thừa nhận rằng, “Thực tế đến nay gói tín dụng vẫn chưa thực sự phát huy hết được tác dụng”. Ông cho biết thêm, “Chúng ta nghe nói gói tín dụng 30 nghìn tỷ là để cứu thị trường bất động sản. Thực chất không phải như vậy. Điều này đã được đề xuất ngay từ khi thực hiện chiến lược về nhà ở”.

Ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng nút thắt của gói 30 nghìn tỷ lại nằm ở chỗ ngân hàng! Bởi lẽ, việc tiếp cận vốn vay bị hạn chế đi rất nhiều vì điều kiện bắt buộc người vay phải chứng minh được khả năng trả nợ. Một việc có thể nói là bất khả thi với phần đông người thu nhập thấp hiện nay.

Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng cho biết, “Không phải có tiền đưa ra là cho vay được. Trên thực tế, nguồn cung mới là vấn đề chính. Nguồn nhà bán ra khá hạn chế làm việc triển khai chưa tốt”.

Giải ngân ì ạch, thủ tục khó khăn, nguồn cung nhà ở xã hội hạn chế, công dụng cũng không phải để cứu bất động sản như nhiều người hy vọng. Do đó, gói 30 nghìn tỷ có vai trò gì trong sự hồi sinh của nhà đất Việt Nam cũng như tính hiệu quả của nó tới đâu thì vẫn còn là vấn đề bỏ ngõ đối với nhiều người.

Mới đây, xuất hiện thông tin Chính phủ sẽ tiếp tục triển khai gói 100 nghìn tỷ để phá băng thị trường đã tạo nên một chấn động nhẹ. Tuy nhiên, sau đó thông tin này đã nhanh chóng được Bộ Xây dựng đính chính. Mặc dù chỉ là “hiểu lầm” nhưng từ sự phản ứng của công luận có thể nhận thấy bất động sản đang “khát” giải cứu như thế nào.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hơn 10 nghìn doanh nghiệp xây dựng đã bị “khai tử” trong năm 2013. Nếu gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng trở thành hiện thực, rất có thể thị trường nhà đất 2014 sẽ là thời điểm kết thúc cho chuỗi dài khủng hoảng và đỗ vỡ của bất động sản suốt nhiều năm qua.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, gói hỗ trợ tín dụng 100 nghìn tỷ đồng không phải của Chính phủ mà là đề xuất của Ngân hàng Xây dựng kết hợp với 4 ngân hàng quốc doanh hỗ trợ cho vay nhà ở, xây dựng hạ tầng.

Đây là mô hình liên kết giữa 4 nhà, bao gồm: ngân hàng, nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu xây dựng và chủ đầu tư thể tạo thành một chuỗi giao dịch kép kín. Ông nhận định, “Điều này sẽ tránh được tình trạng đồng tiền đi ngang, đi chéo”.

Ngoài ra, gói tín dụng này có giá trị từ 75 - 100 nghìn tỷ dùng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà ở trong chương trình liên minh 4 nhà. Mặt khác, TS Lê Xuân Nghĩa còn nhấn mạnh, “Đây không phải là gói ưu đãi mà là gói cho vay thương mại, nhưng lãi suất có thấp hơn so với mặt bằng lãi suất trên thị trường”.

Gói cho vay thương mại có giá trị “khủng” này tuy chưa được chính thức phê duyệt nhưng theo ông Phan Thành Mai – TGĐ Ngân hàng Xây dựng (VNBC), 1 tháng nữa sẽ có thông tin chính thức về gói 100 nghìn tỷ.

Việc ra đời của gói cho vay mới chắc chắn sẽ tạo ra dư chấn không nhỏ đối với thị trường nhà đất. Ảnh hưởng của nó là tốt hay không còn là điều chưa chắn chắn. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã lo ngại việc tiếp tục bơm tiền vào thị trường nhà đất có thể tạo thế cho giá nhà leo thang trở lại, mặc dù vẫn còn ở mức khá cao như hiện nay.

Khánh Linh (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.