05/03/2015 1:14 PM
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có cuộc trao đổi với phóng viên về việc dự án sân bay Long Thành cắt giảm gần 3 tỷ USD mà Bộ GTVT vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường (Ảnh: ND)

Dựa vào tính toán nào mà Bộ GTVT có thể cắt giảm được gần 3 tỷ USD tại dự án sân bay Long Thành, thưa Thứ trưởng?

Về sân bay Long Thành, Bộ GTVT cũng như Tổng công ty cảng hàng không đã tính toán một cách rất đầy đủ trong 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư khoảng 18,7 tỷ USD. Tuy nhiên để phù hợp với nguồn vốn hiện nay, cũng như có thể kêu gọi được nguồn vốn đầu tư cho sân bay Long Thành, Bộ đã đề xuất với Chính phủ, trước mắt cắt giảm đầu tư trong giai đoạn 1.

Trước đây giai đoạn 1 dự kiến đầu tư 2 đường cất hạ cánh, toàn bộ nhà ga cũng như các dịch vụ liên quan khác. Nhưng do vấn đề đầu tư của chúng ta vẫn lớn, thu hút đầu tư vẫn khó khăn nên trước mắt chúng tôi chỉ đề xuất xây dựng một đường cất hạ cánh và chỉ xây dựng một phần nhà ga…

Qua đó, mức đầu tư sẽ giảm đi nhưng thực chất cũng chỉ là phân kỳ đầu tư ra chứ không phải giảm, trước mắt 5,2 tỷ USD thay cho 7,8 tỷ USD như trước đây.

Ngoài cắt giảm vốn đầu tư ban đầu, Bộ GTVT còn điều chỉnh cắt giảm quỹ đất từ 5.000 ha xuống còn 2.000 ha. Xin ông cho biết, phần diện tích bị cắt giảm thuộc phần nào của dự án sân bay Long Thành?

Đối với sân bay Long Thành, bao giờ cũng là sân bay lưỡng dụng. Chính vì thế trong tổ hợp sân bay Long Thành, vừa rồi Bộ GTVT cũng có kiến nghị phần liên quan đến sân bay quân sự thì tách ra. Như vậy đối với sân bay dân sự, trước mắt chỉ cần GPMB cho phần dân sự. Còn phần quân sự chúng ta thực hiện từng bước để cho phù hợp với lộ trình cũng như việc đền bù để không ảnh hưởng đến hoạt động của người dân.

Mức đầu tư sân bay Long Thành được cắt giảm 2,6 tỷ USD trong giai đoạn 1

Theo ông với những tính toán điều chỉnh này, tính khả thi và hiệu quả có cao hơn?

Những tính toán này sẽ giúp cho việc huy động vốn phù hợp hơn so với việc huy động một nguồn quá lớn làm cho tính khả thi không hấp dẫn bằng phân kỳ đầu tư. Chúng tôi tin tưởng khi sân bay Long Thành được Quốc hội chấp thuận, xây dựng chủ trương đầu tư thì thời gian hoàn vốn sẽ rất nhanh. Như thế chúng ta sẽ có điều kiện để đầu tư trong các giai đoạn tiếp theo.

Theo tính toán của Bộ GTVT, nếu như bán toàn bộ sân bay Phú Quốc thì sân bay Long Thành sẽ không cần tới nguồn vốn từ ngân sách nhà nước nữa?

Chúng tôi đưa ra bài toán tổng thể, tức là nếu như vốn xã hội hóa tăng lên thì vốn ngân sách sẽ giảm xuống. Tất nhiên chúng tôi nghĩ rằng đối với sân bay Long Thành, hợp vốn rất cần thiết khi xây dựng một sân bay lớn thế này.

Có cần vốn nhà nước nữa hay không còn phụ thuộc vào việc bán sân bay đó được bao nhiêu tiền, nếu số tiền bán được tăng lên thì phần nhà nước giảm xuống, còn ở mức độ vừa phải thì vẫn cần một khoản vốn đầu tư nào đó.

Bộ đã tính toán đến yếu tố trượt giá khi xây dựng sân bay Long Thành chưa, thưa ông?

Trong dự toán đầu tư bao giờ cũng đã có yếu tố dự phòng theo tốc độ phát triển của CPI. Chẳng hạn bây giờ CPI đang ổn định thì chúng ta sẽ dự phòng ổn định hơn. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, khi xây dựng một dự án lớn như vậy bao giờ cũng phải dự phòng để đáp ứng mức trượt giá trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Thành Nam (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.