Ngay từ đầu năm 2018 liên tục có thông tin tích cực từ thị trường lãi suất cho vay của các NHTM và cả cơ quan quản lý như: một số NHTM giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; NHNN giảm lãi suất cho vay trên OMO…
TS. Cấn Văn Lực |
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, động thái trên của hệ thống ngân hàng rất tích cực, hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ và chỉ giảm lãi suất đối với một số lĩnh vực ưu tiên là đúng đắn và phù hợp. Hiện nay theo tính toán của TS. Lực, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên đang chiếm khoảng 48-50% trên tổng dư nợ.
Vì sao ông lại cho rằng không nên giảm lãi suất cho tất cả đối tượng?
Bởi nếu giảm lãi suất cho vay vào những lĩnh vực rủi ro lại tăng khả năng đầu cơ. Cả người đi vay và cho vay đều rủi ro.
Theo ông, với bối cảnh hiện nay, liệu lãi suất có thể giảm thêm?
Theo tôi về cơ bản khó có thể giảm tiếp. Có 5 nguyên nhân chính tạo lực cản cho điều này. Một là năm nay kỳ vọng lạm phát ở mức cao hơn năm ngoái.
Thứ hai, nhu cầu huy động vốn cho nền kinh tế vẫn tương đối lớn với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm 2018 ở mức 17%, trong khi Thông tư 06 điều chỉnh giảm tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống còn 45%, giảm nhẹ so với năm trước. Có nghĩa là ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh nguồn vốn trung dài hạn và tất nhiên là lãi suất huy động cao hơn mới huy động được nguồn vốn này.
Thứ ba, chính vì kỳ vọng lạm phát ở mức độ cao hơn nên lãi suất đầu vào khó mà giảm được trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang rất hấp dẫn như chứng khoán, BĐS. Thậm chí, thị trường xuất hiện thêm kênh mới, dù chưa được cơ quan quản lý cấp phép nhưng vẫn thu hút tiền nhàn rỗi trong dân là tiền kỹ thuật số. Kênh đầu tư nữa là vào khởi nghiệp.
Thứ tư, năm 2018, xử lý nợ xấu được đẩy nhanh hơn, nhưng cũng không thể cấp tốc mà quá trình xử lý TSĐB cũng phải có thời gian nhất định.
Cuối cùng là chênh lệch lãi suất giữa đầu vào đầu ra năm 2017 đang ở mức 2,4-2,5%. Đây là mức gần như là thấp nhất trong khu vực ASEAN và Đông Á.
Tuy nhiên với nỗ lực của các NHTM bằng việc tiếp tục cắt giảm chi phí hoạt động, hay NHNN dùng một số công cụ như cho vay tái cấp vốn nhiều hơn với lãi suất tốt hơn, tôi nghĩ vẫn có thể góp phần giảm thêm một phần nào lãi suất.
Sau khi NHNN giảm lãi suất OMO, có ý kiến cho rằng dường như NHNN phát đi thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ?
Động thái trên của NHNN phần nhiều nhằm hỗ trợ giảm lãi suất. Mặt khác, NHNN bơm vốn ra với lãi suất thấp như vậy, nhưng lại tìm cách hút tiền vào. Như vậy, ở đây không lo chuyện nới lỏng tiền tệ. Năm 2018, NHNN chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, thấp hơn năm ngoái 1%.
Tại văn bản mới nhất gửi các TCTD, NHNN yêu cầu giám sát chặt việc cho vay tiêu dùng, vì sao vậy thưa ông?
Thời gian qua, một số ý kiến lưu ý đến tín dụng tiêu dùng đang ở mức cao, dấu hiệu nóng. Nhưng ở đây tôi muốn làm rõ hơn một số vấn đề.
Hiện nay tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng thực chất chỉ ở mức hơn 15%/năm. Chúng ta vẫn cho vay nhưng phải quản lý giám sát chặt chẽ. Chẳng hạn cần phân loại kỹ hơn, bóc tách khoản vay cho hợp lý… Đơn cử, cho vay sửa chữa nhà, thuê nhà là cho vay tiêu dùng theo đúng tinh thần Thông tư 39/2016/NHNN, Thông tư 43/2016/TT-NHNN. Nếu tiền đó mua nhà, đầu cơ nhà thì phải đưa vào đầu tư BĐS.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cho vay tiêu dùng của công ty tài chính và NHTM không thể đánh đồng với cùng một cơ chế quản lý. Vì hai bên huy động vốn khác, khẩu vị rủi ro khác nhau. Việc bóc tách như vậy sẽ giúp cơ quan quản lý chức năng đúng thực chất cho vay tiêu dùng. Chính vì thế, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố tín dụng tiêu dùng năm 2017 tăng 60 - 65%, nhưng tôi cho rằng, con số này chưa phản ánh đúng bản chất.
Xin cảm ơn ông!