29/06/2019 8:38 AM
CafeLand - Số liệu thống kê cho thấy trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ lên tới 27,5 tỉ USD, tăng 27,4% so với cùng kỳ. Xuất siêu của Việt Nam đối với thị trường Mỹ lên tới 20,5 tỉ USD, đây là mức cao nhất từ trước cho đến nay. Ngược lại nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc cũng tăng mạnh với kim ngạch lên đến 36,8 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ, còn xuất khẩu chỉ đạt 16,8% tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ.

Vậy tại sao xuất khẩu vào Mỹ và nhập khẩu từ Trung Quốc cùng tăng?

Thâm hụt thương mại ngày càng lớn

Dù là một nước có quy mô kinh tế khá bé nhỏ, nhưng Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất thế giới. Đặc biệt, trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào Mỹ tăng rất mạnh khiến cho thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng tăng.

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy trong 5 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 22,6 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước và lớn hơn nhiều so với nước thứ hai là Trung Quốc chỉ có 13,4 tỉ USD.

Trong khi đó, theo số liệu của UN CONTRADE thì xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Mỹ năm 2018 đạt 51 tỉ USD, tăng 6% so với năm trước. Kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ chiếm đến gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Điều đáng nói thặng dư thương mại Việt Nam đối với Mỹ ngày càng lớn. Riêng trong năm tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu sang Mỹ đến 16,8 tỉ USD. Trước đó, năm 2018, con số này lên tới 41,63 tỉ USD. Việt Nam là nước xuất siêu lớn thứ sáu vào Mỹ sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Đức và Ireland.

Những mặt hàng Việt Nam xuất nhiều vào Mỹ là điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính, hàng dệt may, giày dép, thiết bị nội thất… Đối với mặt hàng linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại là chủ yếu do các doanh nghiệp FDI đóng tại Việt Nam xuất khẩu như Samsung, Intel, Canon… Mặt hàng dệt may, giày da cũng phần nhiều do các doanh nghiệp FDI như Nike, Adidas, các doanh nghiệp từ Đài Loan, Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ là các doanh nghiệp thủy sản, đồ gỗ, nội thất…

Kim ngạch xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng nhanh trong khi nhập khẩu tăng không đáng kể làm thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ ngày càng lớn. Nguồn: UN CONTRADE

Dòng vốn từ Trung Quốc đang đổ mạnh vào Việt Nam

Thống kê của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đến nay trong tổng số 47 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, đang sản xuất hàng hóa tại tỉnh Thanh Hóa thì có tới 19 doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Các doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào sản xuất giày dép, quần áo xuất khẩu.

Số liệu từ Tổng cụ Thống kê cho thấy trong sáu tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã soán ngôi Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư trực tiếp trong sáu tháng đầu năm đã lên tới 1,67 tỉ USD, chiếm 16,7% tổng số vốn đăng ký cho dự án mới và dự án cũ.

Không chỉ dừng lại ở đó, hiện đang có một dòng vốn đầu tư gián tiếp rất lớn từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Theo số liệu Tổng cục thống kê, trong sáu tháng đầu năm còn có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 8,12 tỉ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý là trong đó tổng số vốn gián tiếp của các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc chiếm hơn 70%.

Việc dòng vốn từ Trung Quốc đổ mạnh vào Việt Nam có thể là do các doanh nghiệp Trung Quốc chuyển sản xuất sang Việt Nam để né việc Mỹ đánh thuế cao vào hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia thì vào thời điểm hiện tại Việt Nam đang có tiềm năng lớn bởi giá công nhân đang rẻ, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và môi trường vĩ mô ổn định.

Việc dòng vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc hay các kể cả các công ty đa quốc gia rời bỏ thị trường Trung Quốc để đến Việt Nam là một điều tất yếu. Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc sau một khoảng thời gian tăng trưởng nóng đã chậm lại rất nhiều. Đặc biệt, nhiều chuyên gia còn cảnh báo Trung Quốc có thể rơi vào một cơn khủng hoảng kinh tế bởi nợ xấu lớn và bị Mỹ đánh thuế lên hàng hóa xuất khẩu.

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vốn đầu từ Trung Quốc đang đổ mạnh vào Việt Nam. Đặc biệt, là các dòng vốn gián tiếp đổ vào đầu tư và các doanh nghiệp trong nước

Những bất thường về số liệu thương mại

Trong năm tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22,6 tỉ USD, tăng 28% so với cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu vào Mỹ tăng cao hơn nhiều so với mức bình quân chung chỉ là 6,7%. Đặc biệt, những mặt hàng như điện thoại và linh kiện tăng tới 109,2%; điện tử; máy tính và linh kiện tăng 58,4%; hàng dệt may tăng 9,8%.

Đối với thị trường Trung Quốc, trong khoảng thời gian này, xuất khẩu của Việt Nam giảm 2,6%, nhưng nhập khẩu lại tăng 18,9%. Trong đó mặt hàng nhập khẩu nhiều nhất là điện tử, máy tính và linh kiện tăng 82,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 27,8%; vải tăng 12,7%.

Trước đó, năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng tăng khá mạnh. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 47,5 tỉ USD, tăng 14,2%. Những mặt hàng tăng mạnh là điện thoại và linh kiện tăng 46,7%; giày dép tăng 15,3%; hàng dệt may tăng 13,7%. Như vậy, về cơ cấu mặt hàng thì mức tăng cao của năm 2018 giống như trong năm tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, điểm khá khác biệt là nhập khẩu hàng mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện chỉ tăng 11,4% và vải tăng 12,7%.

Điều đáng nói là mặt hàng điện thoại, linh kiên điện tử, linh kiện máy tính, bảng điện tử vi tính, bộ xứ lý là nhóm mặt hàng bị Mỹ áp thuế nhập khẩu 25%. Những nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đều là những nhóm hàng tăng đột biến nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này khiến nhiều người nghi ngờ có thể có doanh nghiệp Trung Quốc “mượn đường” doanh nghiệp Việt Nam để xuất khẩu những mặt hàng bị đánh thuế cao vào Mỹ.

Nghị ngờ này không phải là không có cơ sở khi mà ta thấy thời gian qua vấn đề Công ty Asanzo sản xuất hàng điện tử với gần như 100% linh kiện nhập Trung Quốc vẫn dán nhãn “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Hoàng Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.