TS. Lê Đăng Doanh
Theo ông Doanh, để thành công trong tái cơ cấu nền kinh tế, nếu chỉ chọn 3 lĩnh vực then chốt hiện tại là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và khu vực tài chính, ngân hàng, thì khó đạt mục tiêu đề ra, mà cần tái cơ cấu thêm 2 lĩnh vực then chốt khác là ngân sách nhà nước và lĩnh vực bất động sản, để bổ trợ tốt cho 3 lĩnh vực tái cơ cấu hiện tại.
Quá trình triển khai tái cơ cấu 3 lĩnh vực hiện tại cho thấy “đụng” rất nhiều đến các lĩnh vực ngân sách nhà nước và bất động sản. Nếu không bổ sung tái cơ cấu hai lĩnh vực trên, thì việc tái cơ cấu 3 lĩnh vực hiện tại sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí bế tắc.
Với lĩnh vực ngân sách nhà nước, cần tái cơ cấu mạnh hoạt động thu, chi. Các hoạt động thu cần dựa trên các cơ sở dưỡng nguồn thu, đồng thời gia tăng tính vững chắc, chứ không phải khi hụt thu thì tăng hút dầu, đào than… bán để đạt kế hoạch theo kiểu chữa cháy. Hoạt động chi ngân sách cần được giám sát chặt, đảm bảo hiệu quả, tránh tình trạng dùng nhiều, nhưng hiệu quả ít, làm tăng sức ép lên nợ công.
“Nếu không tái cơ cấu lĩnh vực bất động sản, mà chỉ triển khai các gói hỗ trợ như hiện tại, thì vẫn tiếp diễn tình trạng đầu cơ, tăng giá vô tội vạ, thậm chí lừa đảo. Điều này sẽ không giải quyết được tình trạng bong bóng bất động sản”, ông Doanh cảnh báo.
Liên quan đến tái cơ cấu DNNN, theo ông Doanh, sẽ khó đạt mục tiêu, đồng thời tác động tiêu cực đến tái cơ cấu lĩnh vực tài chính, ngân hàng, nếu không minh bạch cục nợ của DNNN hiện nay là bao nhiêu.
Theo Tổng cục Thống kê, nợ chéo của DNNN là 3,1 triệu tỷ đồng. Còn số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, các tập đoàn, tổng công ty nợ khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Các số liệu này đã phản ánh xác thực nợ của các DNNN hiện nay chưa?.