Lãi suất liên tục hạ, tín dụng nhúc nhích tăng, sản xuất kinh doanh bắt đầu có dấu hiệu phục hồi… là những tín hiệu tốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn doanh nghiệp (DN), đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn đang gặp khó về vốn và hàng loạt rào cản khác.

PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu - người có 32 năm kinh nghiệm làm ngành tài chính - ngân hàng ở Mỹ, Đức, và là người Việt Nam đầu tiên lập ngân hàng (NH) trên đất Mỹ, hiện đang là thành viên HĐQT Oceanbank.

PV: Thưa ông, NH đã, đang và hứa sẽ tiếp tục giảm lãi suất, nhưng DN vẫn khó tiếp cận vốn. Vậy, mức lãi suất bây giờ đã hợp lý chưa?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất hiện đã xuống thấp rồi, nhưng theo tôi vẫn còn cao, vì nếu thực sự để DN làm ăn có lãi, vốn cho vay sản xuất kinh doanh phải về mức lãi suất 5-7%/năm. Còn nếu từ 7-10% là mức cao, và hơn 10% là quá cao. Song hiện nay, lãi suất trên thị trường Việt Nam vẫn đang ở mức trên 10% là quá cao.

PV: Tức là nên tiếp tục hạ lãi suất nữa, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong tình trạng này, theo tôi, lãi suất không thể hạ sâu nữa, vì lạm phát vẫn ở mức 6%, thì huy động vốn phải là 8%, phải chênh 2% để người gửi tiền có lợi, chấp nhận gửi tiền vào NH. Còn tính theo lãi suất đầu ra, ngoài 8% lãi suất huy động, cộng thêm 3% chi phí, thì cho vay ra phải ở mức 11% mới là khả quan cho ngành NH. Hiện nay, mức lãi suất vẫn trên 10% là mức mà các NH chịu đựng được. Tuy nhiên, đấy là từ góc độ NH, còn từ góc độ DN, thì mức lãi suất đấy lại quá “chát”.

PV: Nếu thế thì DN và NH sẽ rất khó gặp nhau, vì bên có tiền đương nhiên muốn cho vay cao, còn bên cần tiền thì chỉ muốn vay thấp. Phải có cách gì để giải quyết mâu thuẫn này chứ?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Câu chuyện các DN không vay được vốn, thực chất bây giờ không còn nằm ở lãi suất nữa mà nhiều vấn đề khác, trong đó quan trọng nhất là DN đang “đắp chiếu” không thể sản xuất. Với DN (tạm gọi là) khỏe, có thể vay được vốn để sản xuất kinh doanh thì hàng tồn kho dâng cao do sức cầu của nền kinh tế quá yếu, họ không vay, vì vay cũng chẳng biết làm gì. Bài toán họ đang đau đầu giải quyết là tìm cách đẩy hang tồn kho đi, đưa hàng hóa vào trong lưu thông. Còn với DN yếu thì không thể vay nổi, vì không đủ điều kiện, đấy là chưa kể lãi suất quá cao, không chịu được “nhiệt”. Nên, vấn đề bây giờ vẫn là nằm ở chính nền kinh tế.

PV: Vâng, khó khăn của nền kinh tế là do sự khủng hoảng chung, nhưng lãi suất cao DN khó vay mới là điều thực tế cần phải tháo gỡ. Theo thống kê mà Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đã đưa ra, “có tới 50% DN khó tiếp cận vốn từ các NH”. Điều này đồng nghĩa với việc, cả nước hiện đang có khoảng gần 300 nghìn DN đang “đói” vốn, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Vấn đề lãi suất cao làm khó DN, nhiều người bảo cứ phải hạ xuống, hạ xuống tiếp, nhưng theo tôi, có hạ nữa cũng khó đẩy vốn vào nền kinh tế. Thực ra, lãi suất cao cũng có tính tích cực của nó, vì DN sẽ dễ tiếp cận vốn hơn, và dĩ nhiên, lãi suất thấp thì sẽ bất lợi bởi vì DN khó vay vốn, do tính rủi ro cao, nên NH sẽ siết chặt các điều kiện, đóng cửa với DN. Bài toán không phải ở lãi suất, vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lộ trình từ giờ đến hết năm, mặt bằng lãi suất sẽ giảm hơn nữa để cả năm 2014 có thể giảm từ 1,5%-2% mặt bằng lãi suất cho vay.

PV: Vậy ngoài câu chuyện lãi suất, cần phải làm gì để tháo gỡ khó khăn cho DN?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Theo tôi, để tháo gỡ khó khăn cho DN, cần giải phóng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, từ đó phục hồi nền kinh tế. Để làm được điều này, Chính phủ phải vào cuộc giúp đỡ DN thực sự, nhất là những DNNVV, đối tượng chiếm tới 98% số DN ở nước ta, và cũng là đối tượng đang bị tổn thương mạnh nhất do khủng hoảng. Điều quan trọng nhất là phải tăng cường hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện nay, quỹ này đang hoạt động cầm chừng, vốn điều lệ thấp, các DN nộp hồ sơ xét đã khó khăn, lại phải qua thêm 1 cửa NH nữa nên thực sự là không hiệu quả. Để nó hoạt động, Chính phủ phải bỏ tiền ra, chấp nhận rủi ro, đằng này Chính phủ cứ giao là quỹ bảo lãnh không được mất vốn, nên khó. Tất nhiên, quỹ hoạt động hiệu quả và thận trọng thì cũng phải bảo toàn đồng vốn, nhưng khi tiền không có, mà áp lực lại lớn, thì những người làm quỹ sẽ tự cứu mình trước khi cứu DN. Vì thế, theo tôi, mỗi năm phải bơm tiền vào, chấp nhận sự thực là sẽ mất một lượng vốn nào đó, coi như chi phí công, để bảo lãnh cho DN. Thực ra, ngay cả một nước phát triển như ở Mỹ, quỹ SBA (cơ quan hành chính của DN nhỏ) cũng được Chính phủ Mỹ bơm tiền vào để bảo lãnh cho DNNVV, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt. Việt Nam cũng nên học theo mô hình này: quỹ bảo lãnh phải thực sự bằng tài chính, tiền tươi thóc thật, chứ không phải chỉ mỗi uy tín, sẽ không hiệu quả. Hiện nay, dù lãi suất cao, nhiều DN cũng chấp nhận, nhưng đằng này không thể vay được. Cứ cái này kéo theo cái kia, nền kinh tế mãi không thể phục hồi.

PV: Thưa ông, hiện nay Chính phủ cũng đang tìm mọi cách kích cầu, giải phóng hàng tồn kho, trong đó thị trường bất động sản (BĐS) được nhắm tới. Bằng chứng là gói 30 nghìn tỷ và gói 50 nghìn tỷ hỗ trợ BĐS liên tiếp ra đời?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thực ra, một nền kinh tế mà khủng hoảng thì BĐS luôn đi đầu và ngược lại, để một nền kinh tế phục hồi, BĐS cũng góp phần rất tích cực. Bởi vậy, tháo gỡ khó khăn cho BĐS sẽ giải quyết vấn đề của nền kinh tế.

Về 2 gói tín dụng BĐS, mục đích và cách thức hoàn toàn khác nhau. Gói 30 nghìn tỷ dành hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội, tức là trực tiếp hướng đến người nghèo. Còn gói 50 nghìn tỷ tập trung hướng đến tín dụng cho xây dựng: nhà đầu tư - nhà thầu - cung cấp VLXD và nhà băng để xây dựng công trình, trong đó, vai trò NH là kiểm soát dòng tiền, tiêu thụ VLXD, giảm tồn kho cho thị trường BĐS và nền kinh tế. Tất nhiên, gói 50 nghìn tỷ cũng hướng đến xây nhà để cho người dân có nhu cầu mua, và có cả phần dành cho việc tài trợ, mua nhà, sửa chữa nhà cho dân chúng. Nhưng nhìn chung, nó chỉ tập trung cho vấn đề xây dựng. Còn về vốn, gói 30 nghìn tỷ được tái cấp vốn từ NHNN, còn gói 50 nghìn tỷ là tiền của chính các NHTM. Nếu thực hiện tốt, gói 50 nghìn tỷ sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề của ngành xây dựng, BĐS, giải quyết được tồn kho, xây dựng cơ bản và lan tỏa ra nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hà An (Công an nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.