Ùn ứ giao thông đang trở thành vấn nạn của khu vực cửa ngõ phía Đông TP.HCM. Có những lúc nhiều tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái như Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định… gần như tê liệt. Tài xế phải mất 5-6 giờ mới đi hết tuyến đường chỉ vài cây số.
“Để chấn chỉnh tình trạng kẹt xe, ngoài việc chỉ đạo tăng cường điều tiết giao thông khu vực, lãnh đạo TP đã yêu cầu và Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QHKT) đang cùng các cơ quan chức năng tiến hành rà soát toàn bộ quy hoạch khu vực phía Đông TP” - ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở QHKT, cho biết.
Nhà cửa đi trước, hạ tầng… theo sau
Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng quy hoạch của khu vực phía Đông TP?
Ông Nguyễn Thanh Toàn |
Ông Nguyễn Thanh Toàn: Khu Đông TP gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức với quy mô khoảng 22.000 ha. Đây là khu vực đô thị phát triển nhanh, tập trung hệ thống giao thông vành đai và các trục giao thông trọng điểm của TP.
Hiện nay về mặt quy hoạch thì đã có đủ nhưng việc tổ chức thực hiện thì chưa đồng bộ. Ngoài tuyến metro, nút giao Mỹ Thủy đang dần hoàn thiện thì còn nhiều trục đường quan trọng chưa được hoàn thành hoặc triển khai như đường Vành đai 3 (chưa làm), đường Vành đai 2 (chưa khép kín)…
Cũng như các nơi có tốc độ đô thị hóa cao, một thực tế của khu Đông TP là các dự án phát triển đô thị đi nhanh hơn hạ tầng. Thế nên mới có chuyện có nhà mà không có đường, có dự án mà không có cầu…
Cảng Cát Lái đã quá tải, đường vào cảng cũng quá tải. Tại sao không có quy hoạch đường chuyên dụng hoặc đường sắt để chuyên chở hàng hóa mà phải sử dụng đường bộ, thưa ông?
+ Sở GTVT cùng các sở, ngành và UBND quận 2 cũng đánh giá một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng kẹt xe thời gian qua ở khu Đông TP là do cảng Cát Lái quá tải. Hiện nay tất cả xe tải xuất nhập hàng qua cảng Cát Lái đều từ đường Mai Chí Thọ đi qua nút giao Mỹ Thủy vào cảng Cát Lái.
Đây là một bất cập trong quy hoạch đô thị. Bởi thông thường những khu vực cảng sông, cảng biển thì phải sử dụng đường sắt hoặc có đường bộ chuyên dụng để chuyên chở hàng hóa. Đằng này mình lấy đường đô thị đi vận chuyển hàng hóa xuất nhập vào cảng nên kẹt xe là chuyện không tránh khỏi.
Theo quy hoạch chung TP.HCM trước đây được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì có quy hoạch đường sắt dẫn vào Cát Lái để vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, sau đó Quyết định 578/2013 của Thủ tướng về việc điều chỉnh quy hoạch giao thông TP.HCM đến năm 2020 đã bỏ quy hoạch đường sắt này.
Theo tôi, sắp tới phải coi lại công suất thiết kế của cảng Cát Lái, đồng thời phải tái lập quy hoạch đường sắt hoặc đường chuyên dụng vận tải hàng hóa vào cảng Cát Lái để giải quyết câu chuyện ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Hiện nay, khu vực quận 2, 9 và Thủ Đức đang phát triển thiếu đồng bộ với hàng loạt dự án nhà ở mọc lên trong khi hạ tầng không phát triển kịp. Ảnh: HTD
Quận 2, quận 9: Cho tăng thêm dân số
Mấy năm trước, TP đã giao Sở QHKT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và ba quận 2, 9, Thủ Đức rà soát toàn bộ quy hoạch khu Đông TP. Việc rà soát đang được tiến hành đến đâu, thưa ông?
+ Trước đây, TP đã có chủ trương thành lập tổ công tác quy hoạch phát triển hướng Đông TP. Mục tiêu là rà soát, đánh giá lại tất cả dự án phát triển đô thị, kể cả dự án hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật cũng như dự án phát triển nhà ở. Sau đó đối chiếu lại với quy hoạch hiện hữu, kể cả quy hoạch ngành như thương mại dịch vụ, giao thông, giáo dục đào tạo… xem thử hiện đã thực hiện tới đâu, cái gì đã làm, cái gì chưa làm, cái nào dư, cái nào còn thiếu để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp.
Cùng với đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đang chỉ đạo quy hoạch khu vực phía Đông thành đô thị sáng tạo, kết hợp giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ cao. Trên cơ sở Thủ Thiêm, quận 2 là trung tâm tài chính, dịch vụ, thương mại. Cù lao Long Phước, quận 9 là khu ĐH, CĐ đồng thời cũng là nơi tập trung khu công nghệ cao.
Hiện Sở QHKT vẫn đang phối hợp với các đơn vị chức năng và các quận hoàn tất việc rà soát. Dự kiến sau Tết nguyên đán sẽ có phương án cụ thể trình UBND TP.
Theo ông, quy hoạch khu Đông TP đang thiếu và thừa cái gì?
+ Do vẫn đang trong quá trình rà soát nên chưa thể đánh giá hết được. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy hiện trạng khu vực này dự án mọc lên rất nhiều. Đa phần đất trống thì đều có dự án nhà ở và hạ tầng không theo kịp tốc độ xây dựng của các dự án. Tuy nhiên, các dự án này cũng đang trong giai đoạn xây dựng và dân cư cũng chưa về ở hết. Theo báo cáo của quận 2 và quận 9, hiện nay lượng dân số các khu vực này còn khá thấp, chưa chạm mốc của quy hoạch đặt ra.
Nhằm thu hút dân cư theo hướng phát triển đô thị nén dọc theo tuyến metro, TP cũng đã cho chủ trương tăng dân số tại quận 2 và quận 9. Cụ thể như quận 9 tăng lên khoảng 100.000 dân so với quy hoạch dân số hiện hữu. Quận 2 cũng đang trong quá trình khảo sát để tính toán mức độ tăng phù hợp.
Hiện nay khu vực các quận 2, 9 và Thủ Đức đang phát triển thiếu đồng bộ với hàng loạt dự án nhà ở cũng như tình trạng phân lô, bán nền tràn lan. Ông có bình luận gì về tình trạng này và giải pháp tới đây như thế nào?
+ Đây quả là vấn đề đáng lo ngại. Sở QHKT cũng đã có dự thảo lấy ý kiến các quận, huyện, sở, ngành có liên quan về việc thực hiện Quyết định 60/2018 của UBND TP quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TP. Để ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, thiếu hạ tầng thì Sở đề nghị các quận, huyện phải lập quy hoạch 1/500 cho tất cả khu dân cư hiện hữu và dân cư hiện hữu chỉnh trang.
Quan điểm của Sở là phải làm nhanh, nếu chậm thì sẽ không kiểm soát được việc phân lô, tách thửa, sinh ra các biến tướng phá vỡ quy hoạch đô thị.
Xin cám ơn ông.