18/08/2015 11:23 AM
CafeLand – Nguồn cung quá lớn tập trung vào một thời điểm, căn hộ cao cấp bùng nổ trong khi căn hộ dưới 1 tỷ ngày càng ít, năng lực sản xuất của nền kinh tế chưa cải thiện sẽ có thể dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro cho thị trường.

Ông Võ Hữu Khoa, Phó TGĐ Công ty Đầu tư Địa ốc Thành Phố (Cityland).

Thị trường bất động sản TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2015, ghi nhận khoảng 7.050 giao dịch thành công, tăng gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó chiếm lượng lớn thuộc dòng sản phẩm căn hộ trung và cao cấp.

Thị trường khởi sắc trở lại sau thời gian dài trầm lắng, buộc các doanh nghiệp địa ốc phải tính toán xây dựng chiến lược phát triển riêng để tăng sức cạnh tranh.

Trong buổi nói chuyện mới đây với CafeLand, ông Võ Hữu Khoa, Phó Tổng Giám Đốc Cityland đã có những chia sẻ chân thành về phương hướng phát triển của Cityland, cũng như nhận định của ông về diễn biến của thị trường bất động sản TP.HCM thời gian gần đây.

Trong khi nhiều doanh nghiệp tập trung phát triển dòng sản phẩm căn hộ, thì tại sao Cityland lại chú trọng đầu tư vào nhà phố biệt thự cao cấp?

Cityland hiện đang phát triển nhiều dự án nhà phố biệt thự như: Cityland Garden Hills, Cityland Center Hills, Cityland Park Hills (Gò Vấp), Cityland Cityland Riverside (Quận 7)…

Có hai nguyên nhân khiến Cityland đẩy mạnh phát triển phân khúc này.

Nguyên nhân khách quan đến từ quy hoạch của địa phương. Ví dụ, các dự án của Cityland ở quận Gò Vấp nằm ở vùng tầm bay, do đó chỉ có thể phát triển xây dựng biệt thự nhà phố, không thể xây dựng chung cư cao tầng. Ngoài ra, còn là các ràng buộc về mật độ dân số bởi nơi đây là các khu dân cư hiện hữu.

Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ phía công ty. Hiện tại, Cityland sở hữu một quỹ đất khá rộng thích hợp để làm biệt thự, nhà phố.

Thứ nữa, hiện nay loại hình chung cư đang phát triển khá mạnh với nguồn cung rất lớn. Về bài toán kinh tế Cityland sẽ phải cân đối giữa các phương án. Trong đó phương án xây dựng biệt thự, nhà phố có những ưu điểm nhất định. Chẳng hạn, tâm lý người Việt Nam luôn mong muốn sở hữu một căn nhà riêng, có không gian thoải mái, gần gũi. Do đó, loại sản phẩm này sẽ được ưa chuộng và bán nhanh hơn, đúng nhu cầu của người có nhu cầu ở thực.

Tuy nhiên, tùy từng giai đoạn, và từng vị trí dự án cụ thể công ty sẽ có những bài toán cụ thể.

Ví dụ, có những mảnh đất chỉ có thể phát triển được loại hình căn hộ, hoặc trong tương lai khi quỹ đất bị thu hẹp thì loại hình căn hộ sẽ được lựa chọn. Thực tế, trong một số dự án của công ty cũng có quy hoạch vùng đất để phát triển loại hình chung cư.

Hiện thị trường bất động sản TP.HCM đang bùng nổ nguồn cung và có dấu hiệu nóng lên. Ông nhận định như thế nào về diễn biến thị trường sắp tới?

Ý kiến cá nhân, tôi cảm thấy thị trường hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và khách hàng.

Hiện nay, nguồn cung rất mạnh và nhu cầu tại thời điểm này có vẻ là rất tốt. Tuy nhiên, thời điểm giao nhà lại rơi vào khoảng thời gian 2 hoặc 3 năm tới. Như vậy cùng một lúc nhưng có một số lượng rất lớn căn hộ được giao.

Mặt khác, hiện nguồn cung phần lớn lại tập trung vào dòng căn hộ trung và cao cấp. Đặc biệt khu vực bờ sông Sài Gòn và phía Đông rất nhiều dự án cao cấp tập trung dày đặc.

Trong khi loại căn hộ có giá vừa trên dưới 1 tỷ chiếm số lượng lớn nhu cầu ở thực của người dân thì lại ngày càng khan hiếm. Do đó, sẽ dẫn tới nguy cơ đầu cơ, lướt sóng thị trường.

Nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam hiện nay là chưa vững chắc. Bệ đỡ, cái gốc của ngành bất động sản không phải nằm ở việc mua bán mà nó lại phụ thuộc vào năng lực sản xuất và sức khỏe của nền kinh tế.

Nếu năng lực sản xuất của nền kinh tế phát triển ổn định, ví dụ như các ngành nghề, xí nghiệp, công ty người ta mở rộng sản xuất thì người lao động mới có được thu nhập. Từ việc có thu nhập ổn định người ta mới mua được nhà, đó là nhu cầu thực của thị trường bất động sản. Khi đó thị trường bất động sản mới thực sự bền vững, nó sẽ kéo theo các ngành phụ trợ khác như ngành xây dựng, vật liệu xây dựng phát triển.

Hiện nay, một lượng lớn dòng tiền không đổ vào sản xuất mà lại chảy vào lĩnh vực bất động sản. Như vậy, có khả năng tới một thời điểm nào đó, khi thị trường có những dấu hiệu không an toàn, ngân hàng sẽ can thiệp, siết chặt lại khi đó lãi suất vọt lên cao thì sẽ rất rủi ro cho chủ đầu tư.

Ví dụ, với một dự án đang thực hiện, chủ đầu tư sử dụng một phần vốn tự có, một phần huy động từ phía khách hàng và phần còn lại chủ đầu tư phải sử dụng vốn vay từ ngân hàng. Nếu tín dụng bị siết chặt thì dự án sẽ không thể hoàn thành đúng tiến độ dẫn đến khách hàng không sẵn sàng góp vốn tiếp thì lúc đó rủi ro đóng băng dự án là rất cao.

Kế hoạch phát triển sắp tới của Cityland là gì, thưa ông?

Sắp tới Cityland vẫn tập trung phát triển ở thị trường TP.HCM, khoảng cuối năm nay chúng tôi sẽ thực hiện một dự án nhà phố, biệt thự tại quận Gò Vấp, trong đó cũng có phần dành cho chung cư, giá bán dự kiến sẽ giao động khoảng 20 triệu/m2, tổng giá trị căn hộ dao động 1 – 1,2 tỷ/căn.

Ngoài ra, Cityland cũng đang đầu tư hai dự án ở Hà Nội, trong đó một dự án ở Mễ Trì đã được duuyệt quy hoạch 1/500 và cũng sẽ xây dựng theo hướng nhà phố, biệt thự. Ngoài ra, Công ty cũng có hướng triển khai các dự án ở Nha Trang, Phú Quốc theo dạng nghỉ dưỡng trong thời gian tới.

Các dự án của Cityland đã được ngân hàng bảo lãnh chưa? Quy định bảo lãnh liệu sẽ có giảm bớt những rủi ro của thị trường?

Hiện nay, theo luật mới thì các dự án khi xây dựng phải được ngân hàng bảo lãnh. Tuy nhiên, hiện tại các dự án của Cityland đều đã được triển khai trước đó và bán cũng tương đối rồi nên không cần ký bảo lãnh nữa. Sắp tới, khi triển khai các dự án mới thì bắt buộc phải ký bảo lãnh ngân hàng để thực hiện theo đúng luật quy định.

Thực ra, quy định bảo lãnh là một công cụ nữa bảo vệ quyề lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu như xét về tổng cục thì nó cũng không phải để giải quyết bài toán chung của thị trường. Khi thị trường biến động, thì cùng lắm ngân hàng sẽ trả lại tiền cho khách hàng nhưng bản thân dự án đó thì vẫn đứng yên.

Ông có lời khuyên gì cho người mua nhà trong tình hình hiện nay?

Người mua nhà hiện nay quan tâm tới hai vấn đề đó là căn nhà và hồ sơ pháp lý của căn nhà đó. Thời gian qua, có không ít người mua nhà không có được căn nhà do dự án bị ngưng trệ, chủ đầu tư khó khăn. Người khác có nhà nhưng lại không có được sổ hồng, giấy tờ pháp lý vì chủ đầu tư đang thế chấp ngân hàng, hoặc xây dựng sai phép…

Do vậy, khi mua thì khách hàng phải lưu ý hai điểm này. Chọn nhà đầu tư uy tín, có tên tuổi, tìm hiểu kĩ càng giấy tờ pháp lý của dự án, tới trực tiếp dự án để nắm rõ tình hinh triển khai, tiến độ của dự án…

Cám ơn ông.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.