Vừa qua, có hàng chục doanh nghiệp bất động sản nợ tiền sử dụng đất bị Cục thuế bêu tên. Vậy, hiểu một cách đơn giản, như thế nào gọi là dự án nợ tiền sử dụng đất, thưa luật sư? Mua nhà tại các dự án này có đáng lo?
- Doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất có thể hiểu là chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án, gồm tiền sử dụng đất và tiền thuê đất.
Người mua nhà tại các dự án này sẽ gặp khó khăn khi đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do doanh nghiệp bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất. Bởi lẽ, theo quy định, những dự án chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng.
Nếu nói như vậy thì dự án đang nợ tiền sử dụng đất mà vẫn bán nhà cho người dân là trái luật? Luật sư có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
- Chính phủ quy định rõ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm các điều kiện theo quy định. Trong đó, quan trọng nhất là chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có).
Do đó, khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính nói trên mà vẫn bán hàng cho người mua nhà là trái với luật định.
Nếu vô tình mua nhà ở dự án còn nợ tiền sử dụng đất, kể cả dự án đang triển khai xây dựng và đã hoàn thành đưa vào sử dụng thì khách hàng có thể gặp những rủi ro nào?
- Theo tôi, trong trường hợp này, người mua nhà sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Trong đó, nếu không may mua phải dự án đã hoàn thành và vào ở nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ bị chậm trễ trong việc được cấp sổ đỏ.
Thông thường, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, chủ đầu tư có trách nhiệm làm thủ tục để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì việc này sẽ gặp nhiều khó khăn, mất thời gian chờ đợi để được giải quyết.
Còn mua nhà dự án đang xây dựng dang dở mà chưa nộp tiền sử dụng đất thì người mua nhà rất có thể sẽ không có nhà để ở, tiền góp vào dự án cũng khó đòi lại được nếu dự án bị cơ quan nhà nước thu hồi, không cho phép chủ đầu tư tiếp tục xây dựng.
Có một số ý kiến cho rằng, dù rất quan tâm đến vấn đề pháp lý nhưng người dân hầu như không biết được dự án mình mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính hay chưa. Vậy theo luật sư, muốn biết thông tin này thì có thể tìm hiểu ở đâu? Khi mua nhà, có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin này?
- Khi đi mua nhà, khách hàng có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các thông tin về dự án theo quy định của pháp luật như giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, hợp đồng bảo lãnh,… Trong đó, có văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Người dân có thể tìm hiểu về thông tin dự án trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, tại trụ sở Ban quản lý dự án và sàn giao dịch bất động sản đối với trường hợp kinh doanh qua sàn.
Bên cạnh đó, theo dõi thông tin công khai do Cục thuế cung cấp trên báo đài về các trường hợp doanh nghiệp nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất để tránh những rủi ro khi mua nhà và chọn được những doanh nghiệp uy tín.
Để tránh những đáng tiếc không đáng có, theo luật sư người mua nhà cần lưu ý những gì?
- Trước khi mua nhà ở bất cứ dự án nào, người dân cần phải tìm hiểu thật kỹ càng những thông tin chính liên quan đến căn nhà sắp mua. Ngoài những yếu tố cơ bản về pháp lí của dự án còn cần phải hiểu rõ chủ đầu tư là ai, xem doanh nghiệp có nợ thuế không. Ngoài ra, nên thận trọng hơn trong những giao dịch mua nhà để tránh gặp họa về sau.
Cám ơn luật sư.
-
Chủ đầu tư nợ thuế, khách hàng bị “treo” sổ đỏ: Bất hợp lý
Trong khi người bán nhà vi phạm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, thay bằng việc tách bạch mối quan hệ giữa ba bên và có biện pháp mạnh để xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư thì cơ quan nhà nước lại quay sang hạn chế quyền lợi của người mua nhà. Rơi vào mối quan hệ mua - bán mà nhiều quy định pháp luật còn bất cập, chỉ khách hàng là người chịu thiệt.
-
Sợ 'cầm dao đằng lưỡi', khách hàng né dự án nợ thuế
Lo sợ những rủi ro liên quan đến tính pháp lý của căn hộ, nhiều khách hàng trước khi mua dự án đã yêu cầu chủ đầu tư phải đưa ra đầy đủ giấy tờ pháp lý của dự án mới quyết định xuống tiền.
-
Đại dự án Licogi Tiền Phong bết bát nợ thuế, đổi chủ
Từng được coi là một trong những dự án lớn tại Mê Linh (Hà Nội) nhưng dự án Licogi Tiền Phong sau nhiều năm bất động với số tiền nợ thuế lên đến 64 tỷ đồng đã buộc phải đổi chủ mới.
-
Nguy cơ không được cấp sổ đỏ khi mua nhà nợ tiền sử dụng đất
Nhiều người bỏ tiền tỷ để mua nhà mà không được cấp sổ đỏ do doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất.