10/11/2021 7:21 PM
Công ty Chứng khoán VnDirect vừa giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống còn 2,0% , trong khi vẫn bày tỏ sự lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% vào năm 2022 với tốc độ tăng trưởng cao trong tất cả các ngành.

Hầu hết các dịch vụ không thiết yếu đã được phép mở lại kể từ giữa tháng 10.

Nền kinh tế phục hồi ổn định trong tháng 10

Hầu hết các dịch vụ không thiết yếu đã được phép mở lại kể từ giữa tháng 10 sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời về “‘Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Nhờ đó, ngành dịch vụ đã chứng kiến sự phục hồi ổn định trong tháng 10/2021 với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,1% so với tháng trước.

Lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp đều phục hồi ổn định trong tháng 10. Cụ thể hơn, doanh số bán buôn và bán lẻ tăng 14,5% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi nhẹ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 47,2% sv tháng trước trong khi doanh thu dịch vụ lữ hành tăng 298,9% sv tháng trước trong bối cảnh một số địa phương đã dần mở cửa ngành du lịch và các dịch vụ không thiết yếu .

Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,6% so với cùng kỳ (so với mức giảm 7,2% svck trong 9T21 và mức giảm 0,1% trong 10T20). Nếu loại trừ yếu tố giá, con số này giảm 10,3% svck (so với mức giảm 4,5% trong 10T20).

Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại cao hơn trong tháng 10

Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), giá trị xuất khẩu tháng 10.2021 tăng 1,1% so với tháng trước lên 27,3 tỷ USD. Đối với nhập khẩu, chi tiêu nhập khẩu của Việt Nam giảm 1,1% so với tháng trước (so với mức giảm 3,6% trong tháng 9.2021) xuống còn 26,2 tỷ USD. Kết quả là Việt Nam đã tăng xuất siêu lên 1,1 tỷ USD trong tháng 10.2021 từ mức xuất siêu 0,5 tỷ USD của tháng trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm trong khi đầu tư công tăng trở lại

Đầu tư công phục hồi ổn định trong tháng 10.2021 sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc kể từ cuối tháng 9.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện trong tháng 10.2021 (đầu tư công) tăng 20,4% so với tháng trước lên 41,7 nghìn tỷ đồng.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư công thực hiện giảm 8,3% so với cùng kỳ xuống 388,6 nghìn tỷ đồng (cùng kỳ năm trước tăng trên 31,6% so với cùng kỳ), tương đương 64,7% kế hoạch cả năm. Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 95% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm trong tháng 10 sau khi chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ trong hai tháng qua. Vốn đăng ký của các dự án FDI trong tháng 10 giảm 47,5% so với tháng trước xuống 1,6 tỷ USD.

Tuy nhiên vốn đăng ký của các dự án FDI trong 10 tháng đầu năm tăng lên mức 23,7 tỷ USD (tăng 1,1% so với cùng kỳ).

Về vốn giải ngân, vốn thực hiện của các dự án FDI tăng 10% lên 1,9 tỷ USD, do đó nâng vốn thực hiện của các dự án FDI trong 10 tháng đầu năm 2021 lên 15,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ.

Áp lực lạm phát giảm bớt vào tháng 10

Lạm phát của Việt Nam chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ trong tháng 10.2021 (so với mức tăng 2,1% so với cùng kỳ trong tháng trước). CPI giảm 0,2% so với tháng 9 do chỉ số lương thực thực phẩm giảm 1,3% so với tháng trước trong bối cảnh giá lợn hơ giảm xuống 42.460 đồng/kg trong tháng 10.2021 (so với mức bình quân 51.271 đồng/kg trong tháng 9.2021) và chỉ số giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,3% so với tháng trước sau khi Chính phủ đồng ý kế hoạch giảm hoá đơn tiền điện trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 cho khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, CPI trung bình đạt 1,8%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Chính phủ là 4,0%. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo lạm phát bình quân năm 2021 tăng 2,0- 2,2% so với cùng kỳ.

Lãi suất cho vay có thể giảm thêm

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 29.10.2021 đạt 8,7% so với cuối năm 2020 (so với mức 6,5% cùng kỳ năm ngoái).

VnDirect duy trì quan điểm rằng NHNN sẽ cở mở hơn trong việc nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

VnDirect kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm 2021 đạt 11-12%. Ngoài ra, VnDirect kỳ vọng lãi suất tín dụng sẽ giảm hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt là đối với các ngành và khách hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Trong tháng 7, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng hương mại giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Sau đó, các ngân hàng thương mại đã cam kết cắt giảm 20,6 nghìn tỷ đồng từ lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2,0% đối với dư nợ của các khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Theo NHNN, tổng số tiền các tổ chức tín dụng miễn giảm, giảm lãi đã thực hiện kể từ 15.7.2021 đến 30.9.2021 là khoảng 12.236 tỷ đồng, chiếm 59,4% số cam kết của các ngân hàng

Kỳ vọng Chính phủ triển khai thêm các gói kích thích kinh tế

VnDirect cho rằng vẫn còn nhiều dư địa cho mở rộng chính sách tài khóa do (1) tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công 60% GDP, (2) lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp lịch sử và (3) lạm phát đang được kiểm soát tốt.

Các gói kích thích kinh tế có thể bao gồm: trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và tăng chi tiêu đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội.

Giảm dự báo tăng trưởng GDP 2021 xuống còn 2,0% so với cùng kỳ

Theo VnDirect, một số điểm nghẽn đang cản trở sự phục hồi của nền kinh tế, bao gồm (1) nhu cầu tiêu dùng trong nước ở mức thấp trong quý 4 năm 2021 do thu nhập của người dân sụt giảm khi đại dịch kéo dài và (2) nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam vẫn thiếu hụt lao động. Ngoài ra, số ca mắc mới hàng ngày đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 10 trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa trở lại. Nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 có thể cản trở quá trình mở cửa kinh tế.

Trong bối cảnh vẫn còn nhiều yếu tố bất định đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế, VnDirect đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP quý 4 năm 2021 xuống 3,3% so với cùng kỳ từ dự báo 4,0% trước đó, đồng thời giảm dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 2,0% trong kịch bản cơ sở.

Dù vậy, VnDirect vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,5% vào năm 2022, với tốc độ tăng trưởng cao trong tất cả các ngành.

Dự báo của VnDirect dựa trên các giả định chính rằng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022, nhu cầu duy trì ở mức cao đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. 70-75% dân số Việt Nam sẽ được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin ngừa COVID- 19 trong nửa đầu năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng rằng tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ giúp Việt Nam ngăn chặn thành công và đẩy lùi đại dịch. Các chuyến bay thương mại quốc tế có thể được nối lại từ quý 1 năm 2022, điều này sẽ hỗ trợ sự phục hồi của ngành du lịch vào năm 2022, một trong hai động lực chính cho sự phục hồi trong ngành dịch vụ của Việt Nam, cùng với sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.

VnDirect cũng kỳ vọng Chính phủ sẽ duy trì các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối quý 2 năm 2022 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. VnDirect cũng kỳ vọng lượng vốn đầu tư công sẽ tăng lên vào năm 2022 khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân đầu tư công. Vốn đầu tư khu vực tư nhân cũng như vốn FDI cũng có thể phục hồi mạnh nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn sau đại dịch.

Trường Anh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.