20/12/2014 10:04 AM
Theo quy định của pháp luật, các thông tin liên quan đến đất đai như trình tự thủ tục cấp sổ đỏ, quy hoạch đất đai, công tác thu hồi đất, GPMB, giá đất... phải được công khai.

Tuy nhiên, khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam dù được cải thiện hơn so với trước, nhưng ở một vài nơi, công chức có trách nhiệm vẫn không cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS. TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT xung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về kết quả vừa được WB công bố về nghiên cứu công khai thông tin quản lý đất đai sau khi khảo sát 63 tỉnh, TP vào cuối năm ngoái và đầu năm nay?

- Tôi đánh giá cao nghiên cứu khách quan của WB trong việc công khai, minh bạch thông tin quản lý đất đai. Luật Đất đai 2013 đã đặt ra việc chuyển đổi thể chế quản lý sang thể chế quản trị. Trong đó, điều quan trọng thứ nhất là việc công khai, minh bạch; thứ hai là trách nhiệm giải trình; thứ ba là sự tham gia, giám sát của người dân.

Trước đó, WB đã có khảo sát vào năm 2010, và qua đánh giá của họ, việc công khai thông tin đất đai tại các địa phương được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra của Luật Đất đai 2013, chúng ta làm còn yếu, chưa đến nơi đến chốn.

Một số địa phương lấy lý do chưa công khai thông tin đất đai do cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa đủ điều kiện. Quan điểm của ông thế nào?

- Nếu địa phương cho rằng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên chưa thể công khai thông tin là không thể chấp nhận được. Việc công khai thông tin của nhiều địa phương cũng có thực hiện, nhưng dưới dạng hình thức, niêm yết thông tin ở những nơi khó nhìn, thiếu cập nhật. Điều này thể hiện sự tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn chưa giảm, bởi những yếu tố ngăn ngừa tham nhũng - việc công khai, minh bạch vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.


Lô đất dự án tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Công Hùng

Nếu thực lòng muốn công khai thông tin với người dân, các cơ quan, đơn vị chỉ cần dán văn bản lên bảng tin. Hoặc chỉ cần treo bằng nẹp tre và đóng đinh văn bản đó lên là được. Có thể chưa đạt thẩm mỹ, nhưng quan trọng là cung cấp đủ thông tin cho người dân. Chứ đừng lấy lý do chưa đủ điều kiện nên chưa thể thực hiện được.

Ông cho rằng, việc công khai, minh bạch thông tin đất đai là yếu tố ngăn ngừa tham nhũng. Vậy, bằng cách nào để người dân có quyền được tiếp cận thông tin công khai, cùng tham gia quản lý, giám sát, thưa ông?

- Thông tin minh bạch về đất đai sẽ góp phần chống tham nhũng. Nhiều nước cho phép và khích lệ người dân tiếp cận các thông tin về đất đai vì họ xem đây là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng tham nhũng. Các điều luật đất đai hiện hành phải được thi hành tốt hơn và được sử dụng để tăng cường quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân. Thực thi các điều luật đất đai hiện nay phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp như phường, xã, quận, huyện và cả ở cấp T.Ư. Mọi người dân đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin mà họ cần.
Bên cạnh đó, việc công khai thông tin đất đai còn để người dân có thể cùng tham gia quản lý. Ví dụ, chúng ta có thể công khai những ai được ở nhà công vụ, những ai đã về hưu rồi vẫn còn ở nhà công vụ. Một xã hội công khai sẽ tạo được lòng tin của người dân. Với những thông tin không phải thông tin mật thì cần được cung cấp, có thể được công khai trên mạng hoặc được niêm yết, công khai tại chỗ. Ngoài ra, càng công khai và minh bạch hóa thông tin về đất đai, chúng ra càng thu được nhiều lợi ích. Bất cứ DN nước ngoài nào đến đầu tư, điều đầu tiên họ làm là tìm hiểu về mức độ công khai, minh bạch thông tin trong hệ thống quản lý của nước đó.

Để giảm nguy cơ dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai, theo ông phải có giải pháp gì?

- Công tác giám sát, quản lý đất đai thiếu minh bạch dẫn đến việc tư lợi ngày càng có đất nảy sinh. Vì thế, để giảm nguy cơ dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai, cần kết hợp cải cách chính sách, nâng cao tính minh bạch với trách nhiệm giải trình. Đồng thời, phải có chế tài xử lý khi không thực hiện pháp luật. Với những điều không thực hiện theo luật pháp thì phải xử lý như thế nào? Kinh nghiệm hiện nay cho thấy vẫn còn thiếu chế tài xử lý.


Theo quy định, người dân được tham gia ý kiến trong quản lý đất đai, nhưng dường như việc này mới chỉ mang tính hình thức?

- Việc người dân được bảo đảm quyền tham gia, lấy ý kiến trong các quyết sách liên quan đến quyền lợi của bản thân khi thông tin được công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý Nhà nước là bắt buộc. Cách thức lấy ý kiến phải có hướng dẫn cụ thể như lấy ý kiến của ai, tỷ lệ đồng thuận bao nhiêu?

Dù Luật Đất đai quy định phải lấy ý kiến người dân trong công tác quản lý đất đai như lập quy hoạch, bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư, nhưng thực tế việc thực hiện vẫn còn hình thức, chưa thực tâm. Các địa phương chỉ dừng ở mức lấy ý kiến và hứa tổng hợp báo cáo. Tuy nhiên, kết quả này ít khi có thể thay đổi hoặc đảo ngược được tình thế dù đó là nguyện vọng của đa số người dân.

Luật Đất đai 2013 đã thiếu quy định cụ thể tỷ lệ đồng thuận khi người dân tham gia như trong việc lập quy hoạch phải được 2/3 người dân bị ảnh hưởng đồng tình. Ở các nước, chẳng hạn như Hàn Quốc, các tỷ lệ đồng thuận được quy định rất rõ trong từng vấn đề khi ảnh hưởng đến phần lớn người dân.

Nghị định của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 29/12/2014 quy định mức giá tối đa đối với đất tại các đô thị 162 triệu đồng/m2 - tăng gấp đôi so với hiện hành (81 triệu đồng/m2, khu vực Hàng Ngang, Hàng Đào, Lý Thái Tổ). Theo ông, mức giá đó phù hợp hay chưa?

- Theo tôi, khung giá tối đa có thể đưa ra ở mức cao hơn, khoảng 700 triệu đồng/m2, bởi giá trị đất thực tế nhiều nơi ở các TP lớn có mức giá như vậy. Một trong những bất cập đối với các TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là việc áp giá trần cao nhất ở mức 81 triệu đồng/m2, theo khung giá của Chính phủ quy định, nên không thể đưa ra mức giá cao hơn.

Một số ý kiến lo ngại trước việc tăng khung giá đất, nhưng cá nhân tôi cho rằng, mọi người chưa hiểu hết pháp luật. Pháp luật quy định bảng giá đó chỉ được sử dụng để thu phí, thuế, thu tiền xử phạt vi phạm hành chính, thu tiền trường hợp nông dân ở vùng nông thôn được giao đất hoặc được công nhận quyền sử dụng đất trong phạm vi hạn mức đất ở, trong khi giá đất cao chỉ quy định ở đô thị. Nó không dùng để thu tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất cho các dự án, không dùng để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, không dùng để tính tiền thuê đất của DN, không dùng để cổ phần hóa DN Nhà nước. Những trường hợp đó được định giá cho từng trường hợp cụ thể.

Vậy, mức giá quy định thấp hơn giá thị trường như thế có ảnh hưởng gì không, thưa ông?

- Nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá đất như thế ảnh hưởng đến thị trường. Tôi cho rằng, những ý kiến đó không có căn cứ. Nhiều người nói rằng, DN đang nợ tiền sử dụng đất, nếu bây giờ tăng giá đất sẽ gây khó khăn gấp đôi cho họ. Quan điểm của tôi không vì thế mà giữ giá, không đưa giá đất sát với thị trường. Chính phủ có thể quy định những tiền nợ như thế tính theo giá đất cũ là xong. Những việc như thế không thể cản trở việc đưa giá đất sát với thị trường. DN hiện nay không có khái niệm phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp vì nó quá thấp. Và như thế sẽ dẫn tới việc đầu cơ ôm đất vì giữ rất nhiều mà phải trả thuế rất ít. Đó là điều không tốt vì công bằng trong tiếp cận đất đai là nguyên tắc quan trọng nhất mà chúng ta phải đảm bảo.
Xin cảm ơn ông!

Hồng Thái (Kinh tế &Đô thị)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.