30/06/2014 10:06 AM
“Hiện Việt Nam chưa có luật đặc khu kinh tế nên không phải Formosa Hà Tĩnh muốn là có thể lập đặc khu kinh tế ngay được” - GS Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) trả lời phóng viên xung quanh kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây xôn xao dư luận trong nước những ngày qua.

Thưa ông, ông có thể lý giải lý do vì sao Formosa Hà Tĩnh kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng không?

- Formosa Hà Tĩnh là nhà đầu tư lớn của Đài Loan, bắt đầu đầu tư vào Hà Tĩnh từ năm 2006. Họ khởi công dự án cách đây 3 năm và đang làm rầm rộ với mục tiêu đến năm 2015 khánh thành giai đoạn đầu của dự án thép công suất 7,5 triệu tấn/năm, rồi tiến tới công suất 9-10 triệu tấn thép/năm giai đoạn 2.

Có thể nói đây là sản lượng thép sản xuất lớn nhất hiện nay tại Việt Nam, toàn bộ sản phẩm được nhà đầu tư xuất khẩu. Với dự án này, Formosa Hà Tĩnh được sử dụng cảng nước sâu lớn nhất, tốt nhất hiện nay của Việt Nam. Họ cũng dự định một mặt làm thép, một mặt đầu tư nhà máy lọc dầu với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu lên tới 10 tỷ USD và 15 tỷ USD nếu thực hiện cả dự án lọc dầu.

Và nếu triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án thép nữa thì tổng vốn đầu tư của Formosa Hà Tĩnh sẽ lên đến 20 tỷ USD, chiếm trên 10% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hiện nay (233 tỷ USD). Cũng vì vốn lớn nên họ mới kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế.

Lý do như vậy có xác đáng không, thưa ông?

- So với bất kỳ khu kinh tế nào hiện nay tại Việt Nam có thể khẳng định không có nơi nào có vốn đầu tư lớn hơn khu kinh tế Vũng Áng. Diện tích đất mà Formosa Hà Tĩnh đang sử dụng lên đến 2.400ha, nếu so với một khu công nhiệp ở miền Bắc là 150ha thì đã gấp 15 lần. Nếu đầu tư cả dầu khí thì diện tích đất tại khu kinh tế Vũng Áng mà Formosa Hà Tĩnh sử dụng sẽ lên tới 3.000ha. Trước khi Formosa Hà Tĩnh xin phép thành lập đặc khu kinh tế, tình hình chính trị-xã hội của chúng ta ổn định. Tuy nhiên, sự kiện gây rối, đập phá DN vừa diễn ra vào tháng 5, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông, đã khiến Formosa Hà Tĩnh tổn hại rất lớn.

Nơi họ triển khai dự án như một công trường quốc tế, có hàng vạn người nước ngoài, do vậy, họ thấy nếu cứ như khu kinh tế Vũng Áng hiện nay mà không có hàng rào riêng, nếu xảy ra sự kiện tương tự thì sẽ rất nguy hại. Lập đặc khu kinh tế, theo họ có thể bảo vệ được đầu tư của họ tại Việt Nam trong tương lai.

Tại cuộc họp cổ đông của Formosa mới đây tại Đài Loan, các cổ đông của họ cũng chất vấn về việc tại sao đầu tư tại Việt Nam đáng quan ngại như vậy mà Formosa Hà Tĩnh vẫn tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Theo đánh giá của ông, đâu là lý do chính để Formosa Hà Tĩnh đầu tư thép và lọc dầu tại Việt Nam cũng như kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế ?

- Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam và vụ việc gây rối, đập phá một số công ty nước ngoài tại Việt Nam do các đối tượng quá khích gây ra vừa qua, bản thân các nhà đầu tư Đài Loan cũng cho rằng là không nên xảy ra và không nên có. Tuy nhiên, sau sự kiện này, họ nhận thấy Chính phủ Việt Nam đã xử lý rất nhanh, hiệu quả. Và đặc biệt, dù những bất ổn vẫn đang tiếp diễn tại Biển Đông, họ vẫn tin tưởng Việt Nam là nơi có môi trường đầu tư hấp dẫn với các ưu đãi tốt và giờ đầu tư vào Trung Quốc còn khó khăn gấp bội. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, họ không vô cớ đề nghị chúng ta cho phép thành lập đặc khu kinh tế. Còn ta chấp nhận hay không lại là chuyện khác.

Bộ KHĐT mới đây đã thể hiện quan điểm không đồng tình với kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng của Fomusa Hà Tĩnh. Ông nghĩ sao về điều này?

- Bộ KHĐT cho rằng: Hiện tại dự án Formosa đang được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, các loại thuế, đất đai... áp dụng đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế (bao gồm ưu đãi về thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được). Các kiến nghị khác của công ty áp dụng cho dự án (bảo hộ ngành thép, kinh doanh tàu lai dắt...) đang được các bộ, ngành xem xét giải quyết.

Ngoài ra, việc Formosa đề nghị hình thành Ban quản lý đặc thù trực thuộc Văn phòng Chính phủ là chưa có tiền lệ và không cần thiết. Hiện tại đã có Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề có liên quan đến triển khai dự án Formosa theo cơ chế "một cửa, tại chỗ".

Đồng thời, để kịp hỗ trợ giải quyết các vướng mắc của công ty, Bộ KHĐT tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập tổ công tác liên ngành Trung ương hỗ trợ Dự án Formosa. Với các lý do nêu trên, Bộ KHĐT tư thấy rằng, đề xuất của Công ty Formosa về việc thành lập khu kinh tế đặc thù riêng là chưa cần thiết.

Vậy cá nhân ông nghĩ sao? Các ưu đãi đối với Formosa Hà Tĩnh đã đủ đặc biệt chưa, thưa ông?

- Hiện nay khu kinh tế đặc biệt của ta mới chỉ có ở Phú Quốc, Vân Đồn. Tuy nhiên, hai khu này cũng chưa thể gọi là khu kinh tế đặc biệt theo đúng nghĩa của nó vì chúng ta vẫn chưa có luật nào về khu kinh tế đặc biệt (năm 2014, Quốc hội dự kiến chưa bàn thảo về vấn đề này, năm 2015 tôi cũng không biết có bàn thảo không).

Do vậy tôi nghĩ rằng, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh nên nói rõ lý do của mình rằng, với luật pháp của Việt Nam hiện hành thì họ muốn lập khu kinh tế đặc biệt thì ta cũng không thể đáp ứng vì Việt Nam chưa có luật. Điều này sẽ khẳng định thiện chí của Việt Nam là tin tưởng các nhà đầu tư và Việt Nam thực hiện đúng các quy định đầu tư.

Riêng về ưu đãi, ngoài thuế, Formosa Hà Tĩnh đang được hưởng ưu đãi riêng biệt về sử dụng đất đai. Những ưu đãi như vậy là cần thiết vì đầu tư của Formosa giúp cho nguồn thu của Hà Tĩnh tăng nhanh (từ 1.000 tỷ đồng/năm lên 5.000 tỷ đồng năm 2013, năm nay dự kiến đạt 7.000-8.000 tỷ đồng, chủ yếu từ Formosa Hà Tĩnh).

Thực tế, các ưu đãi là cần thiết nhưng cái mà nhà đầu tư quan tâm nhiều là Việt Nam cần công khai, minh bạch, chính sách dự đoán được, đặc biệt là về thuế. Họ coi trọng thời gian hơn tiền bạc nên các thủ tục hành chính của ta cũng phải nhanh gọn hơn.

Vậy điều gì sẽ diễn ra nếu Formosa không thành lập được đặc khu kinh tế? Điều này có ảnh hưởng tới đầu tư của họ tại Việt Nam không, thưa ông?

- Cái mà họ muốn hiện nay là Việt Nam cần phải có bảo vệ an ninh cho họ. Tỉnh Hà Tĩnh nên có văn bản đảm bảo về vấn đề này. Tôi biết, hiện Hà Tĩnh đã “nâng cấp” đồn biên phòng thành một tổ chức lớn. Công an, hành chính địa phương ở đây cũng đã được tổ chức lại. Ta cũng lập thành phố mới ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Tất cả bảo đảm lợi ích cũng như an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Việc kiến nghị thành lập đặc khu kinh tế như của Formosa Hà Tĩnh kiến nghị cần phải có thời gian nghiên cứu. Còn nói về ảnh hưởng, tôi cho rằng không có gì ảnh hưởng. Họ đã bỏ nhiều tiền vào dự án này tại Việt Nam, không ai dại gì “bỏ của chạy lấy người” lúc này cả, nhất là khi Việt Nam đã ứng xử rất hợp lý trong tình hình hiện nay. Thực tế là luật của ta chưa cho phép. Tôi nghĩ phía Formosa cũng sẽ đánh giá đúng các hành động của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

* Bài được thay đổi theo CafeLand.

Mai Hương (Dân Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.