04/04/2014 11:35 AM
“Không có lý do gì để ngừng cấp phép các dự án mới, chúng ta không thể cấm sản xuất “xăng đan” khi đang thừa “ủng”. Kiến nghị rất vô lý….”
Bộ Xây dựng vừa có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014.

Kiến nghị này được Bộ Xây dựng cho là một trong số giải nhằm gỡ khó, hỗ trợ cho thị trường bất động sản. Thế nhưng, trao đổi với PV Infonet, từ chuyên gia đến nhà tư vấn bất động sản và chủ đầu tư ngay lập tức đã có ý kiến không đồng tình khi cho rằng đây là kiến nghị vô lý và thiếu tư duy thị trường.

TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: “Kiến nghị thiếu tư duy thị trường”

Tôi cho rằng, kiến nghị này thiếu tư duy thị trường. Thị trường vận hành theo quan hệ cung – cầu, chứ không phải cho phép hay không cho phép. Nếu có “cầu” thì sẽ có “cung”, nếu không có “cầu” mà anh cho phép xây thì cũng chẳng ai “cung”, hoặc “cung” thừa, lại “ế” như bây giờ.

Thị trường bất động sản có nhiều phân khúc, thừa là thừa phân khúc cao cấp và đang thiếu phân khúc nhà ở phổ cập. Chúng ta đang thiếu những loại nhà ở có giá dưới 15 triệu đồng/m2 hoặc dưới 1 tỷ đồng/căn, phân khúc cho những đối tượng có thu nhập trung bình. Còn phân khúc cao cấp là dành cho những tầng lớp giàu có.

Không có lý do gì để ngừng cấp phép các dự án mới, không thể cấm sản xuất “xăng đan” khi đang thừa “ủng”. Vì thế, kiến nghị này rất vô lý.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành: “Nếu ngừng thì lấy đâu nguồn cung cho gói 30.000 tỷ”

Đây là kiến nghị sai pháp luật, sai nền kinh tế thị trường, cần phải có lộ trình 5 năm, 10 năm bởi doanh nghiệp kinh doanh đều có kế hoạch dài hạn.

Bộ Xây dựng luôn nói hàng tồn kho bất động sản đã giảm 35%, đã có tín hiệu ấm dần… nếu thế thì tại sao lại phải kiến nghị Thủ tướng dừng cấp phép dự án mới? Kiến nghị này của Bộ Xây dựng mâu thuẫn với chính mình.

Nếu ngừng cấp phép trong năm nay thì thời gian tới lại khan hiếm nguồn cung, lại xảy ra sốt nóng thì sao?

Ngừng cấp phép phải chăng mục đích của Bộ Xây dựng chỉ là để giải quyết hàng tồn kho, giải quyết lợi ích nhóm cho những đơn vị có hàng tồn kho?

Để giải quyết hàng tồn kho, bản thân những đơn vị đó phải tự vận động, “cứu” mình bằng cách giảm giá bán, giảm diện tích… chứ không nên chờ Nhà nước “giải cứu”.

Gói 30.000 tỷ “thất bại” là do khan hiếm nguồn cung, thiếu những sản phẩm đáp ứng yêu cầu để được vay gói tín dụng này. Nếu những dự án mới sẽ ra những sản phẩm đáp ứng gói 30.000 tỷ thì sao, tại sao nên kiến nghị ngừng cấp phép? Nếu ngừng thì lấy đâu nguồn cung cho gói 30.000 tỷ?

Ông Richard Leech – Giám đốc điều hành CBRE: “Kiến nghị đồng nghĩa bắt thị trường hấp thụ dự án cũ”

Tôi cho rằng, Chính phủ không nên dừng việc cấp phép mà nên để cho thị trường tự cân đối vì có những chỗ dư thừa nhưng vẫn có những nơi thiếu. Việc tạm dừng các dự án mới, đồng nghĩa với việc bắt thị trường phải hấp thụ những dự án cũ, trong khi chất lượng các dự án này chưa chắc đã tương thích với nhu cầu thị trường.

Tốt nhất, các cơ quan nhà nước cần tập trung quản lý thị trường bất động sản tốt hơn bằng cách quy hoạch chặt chẽ, nâng cao chất lượng dự án đồng bộ với phát triển hạ tầng kinh tế xã hội… để thị trường phát triển đúng hướng, phù hợp với nhu cầu.

Minh Thư (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.