06/04/2014 7:51 PM
Theo ông Trần Như Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, chỉ khi tạo được bước chuyển trong chính sách, thị trường bất động sản (BĐS) mới có thể phát triển bền vững.

- Thưa ông, thị trường BĐS trong thời gian qua liên tiếp đón nhận những thông tin tích cực. Lúc này có thể lạc quan về triển vọng thị trường?

- Đặt trong bối cảnh chi phí vốn đã và đang là một gánh nặng gây bất lợi cho cả nền kinh tế, thì thông tin về hạ lãi suất thật sự mang đến tín hiệu tích cực cho thị trường nói chung, không chỉ với thị trường bất động sản. Động thái của NHNN là chỉ dấu cho thấy, đã đến lúc chúng ta nên làm gì đó... Tuy nhiên, cũng ở thời điểm này, nếu xét đến các chỉ số kinh tế vĩ mô hay môi trường chính sách bất động sản, tôi chưa nhận ra được triển vọng nào cho việc tăng năng suất, hiệu suất đầu tư theo hướng mỗi mét vuông đất có thể được sử dụng hiệu quả nhất và tốt nhất. Từ nhiều năm nay, vẫn chưa có được điểm đột phá trong chính sách. Vậy nên, mỗi doanh nghiệp phải tự có "đột biến" của riêng mình. Với đà này, thị trường chỉ có thể đón nhận tín hiệu tốt vào khoảng quý II năm sau.

- Lúc này, vấn đề cốt lõi giúp thị trường hồi phục là gì, thưa ông?

- Cốt lõi của thị trường là tất cả chúng ta đều có vấn đề, từ người mua, đến người bán... Thế nhưng, chúng ta đang cố tỏ ra là vấn đề không quá phức tạp. Mọi người vẫn cố tìm kiếm giải pháp thần tốc, từ năm này qua năm khác, và... vấn đề vẫn còn nguyên đó. Nhưng như đã nói, việc hạ lãi suất đã gửi một tín hiệu rõ ràng, ngồi yên chắc chắn cũng không an toàn nữa, nhất định phải thay đổi và làm gì đó. Phía doanh nghiệp, cá nhân tôi đã và đang tham gia vào điều chỉnh, thay đổi này, dẫu không dễ dàng. Tuy nhiên, cũng như chính sách, sự điều chỉnh của doanh nghiệp không phải một chốc lát có thể biểu hiện kết quả ra thị trường. Phát triển bền vững trong thị trường, là khi cơ chế tự điều chỉnh thị trường có tác dụng.

- Ông nhìn nhận thế nào về sự lạc quan trong đánh giá triển vọng thị trường từ Bộ Xây dựng?

- Theo mục tiêu chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đến năm 2015 chúng ta cần 22 triệu m 2 nhà ở. Hiện tại các dự án BĐS chỉ mới cung được khoảng 13-14%, còn phần lớn người dân tự xây nhà. Theo tính toán dựa trên căn cứ tốc độ phát triển dân số, phát triển đô thị, các dự án đăng ký, đến năm 2015, chúng ta thiếu cỡ hơn 20 triệu m 2 nhà ở, đồng nghĩa với một nguồn cầu tự nhiên rộng lớn hơn khả năng cung hiện tại. Vậy nên, sự lạc quan là hoàn toàn có thể hiểu được.

Tuy nhiên, muốn kích hoạt thị trường, cần một cách tiếp cận chính sách khác. Chính sách nên, lẽ ra và bắt buộc phải cùng lúc vừa thúc đẩy tăng nguồn cung vừa tăng tỷ lệ chuyển đổi cầu tự nhiên (có nhu cầu nhà ở) thành nguồn cầu có thể thực hiện việc mua bán (cầu có khả năng thanh toán). Nếu chính sách chỉ giải quyết một vế về nguồn cung, và bằng con đường hành chính, tình hình chắc chắn vẫn không thay đổi.

- Xin cảm ơn ông!

Sơn Minh (Nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.