Trong khi sản xuất gạch, đất sét nung làm tiêu tốn đất nông nghiệp, than đá, đồng thời thải hàng triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, thì vật liệu xây dựng (VLXD) không nung không chỉ hạn chế những tác động bất lợi trên mà còn tái chế đáng kể lượng phế thải công nghiệp, biến phế thải thành vật liệu có ích. Tuy nhiên, hiện nay người dân và ngay cả nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quen với việc sử dụng loại vật liệu mới này.

Tính ưu Việt của VLXD không nung

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thì nhu cầu sử dụng gạch xây khoảng 32 tỷ viên vào năm 2015 và 42 tỷ viên năm 2020. Do đó, nếu đáp ứng nhu cầu này hoàn toàn bằng đất sét nung sẽ tiêu tốn khoảng 60-64 triệu m3 đất sét, tương đương gần 3.200ha đất nông nghiệp, đồng thời tiêu tốn hơn 6 triệu tấn than, thải ra 23 triệu tấn khí CO2 tác động xấu đến cảnh quan môi trường.

Vì vậy, vào tháng 4/2010 Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phát triển sản xuất và sử dụng loại vật liệu này thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015 và 30-40% vào năm 2020. Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ có lượng thể tích không lớn hơn 1000 kg/m3 trong tổng số vật liệu xây.

Với VLXD không nung, không sử dụng đất sét ruộng mà sử dụng các phế thải xây dựng và phế thải công nghiệp như tro bay, xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than, xỉ của nhà máy luyện kim, mạt đá trong công nghiệp khai thác chế biến đá xây dựng, bùn đỏ của công nghiệp chế biến bauxit. Theo đó, trong quá trình sản xuất gạch, môi trường không bị ảnh hưởng vì sản phẩm này không qua khâu nung đốt nên không có khói, không có nước thải do yêu cầu công nghệ sử dụng nguyên liệu bán khô nên chỉ sử dụng tối đa khoảng 5 - 6 m3/ngày đêm (cho sản lượng 4 vạn viên gạch). Đặc biệt, công nghệ sản xuất gạch này không có rác thải mà còn sử dụng rác thải rắn xây dựng và công nghiệp góp phần làm sạch môi trường.

Do tận dụng các phế thải xây dựng, phế thải công nghệ nên loại vật liệu này có tính ưu Việt là giá thành không cao, chỉ bằng 2/3 viên gạch nung nhưng có độ cứng gần gấp hai lần gạch nung, các chỉ tiêu về kỹ thuật và an toàn vật liệu đều đạt và vượt yêu cầu kỹ thuật.

Thêm vào đó, VLXD không nung có kích thước lớn, kết cấu rỗng, tiện cho thi công, công nghệ sản xuất loại vật liệu này không quá phức tạp, suất đầu tư thấp, giảm được nhiên liệu nung đốt và tận dụng được những loại phế thải làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, gạch không nung được ép bằng máy thủy lực trên 150 tấn nên bề mặt viên gạch nhẵn và đồng đều tuyệt đối, từ đó công xây dựng giảm, có thể không cần vữa trát tường, xây đến đâu hoàn thiện đến đó nên giảm một khoản chi phí đáng kể đối với một căn nhà.

Mặc dù có nhiều ưu điểm như vậy nhưng công nghiệp sản xuất VLXD không nung ở nước ta vẫn phát triển rất chậm và chưa có nhiều nhà máy áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Vì thế, trong thời gian qua, người dân và ngay cả nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quen với việc sử dụng loại vật liệu xây dựng (VLXD) không nung.

alt

Trong thời gian qua, người dân và ngay cả nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quen với việc sử dụng loại vật liệu xây dựng (VLXD) không nung. Ảnh: Nguồn internet

VLXD không nung còn bỏ ngõ

Ở các nước phát triển, tỷ lệ sử dụng VLXD không nung chiếm tới trên 70% trong khi đó ở nước ta con số này chỉ dưới 10%. Nguyên nhân của tình trạng trên thì có nhiều nhưng có thể thấy rằng người tiêu dùng chưa quen với việc sử dụng loại VLXD này, mặt khác VLXD không nung cũng thiếu sức cạnh tranh do giá bán còn khá cao dù cho nhà nước đã có những chính sách khá mạnh mẽ để khuyến khích ngành sản xuất này.

Một đại diện trong ngành xây dựng cho rằng, do tâm lý người dân đã quen sử dụng gạch đất sét nung bởi có kích cỡ nhỏ, lối xây thủ công phù hợp với mô hình sản xuất nhỏ. Trong khi đó gạch không nung dạng block kích thước lớn, vận chuyển khó khăn, nhất là khi đưa lên cao, đồng thời quy trình xây gạch block yêu cầu chặt chẽ hơn, đòi hỏi tay nghề cao hơn.

Thêm vào đó là việc Nhà nước chưa ban hành đồng bộ các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng VLXD không nung vào công trình. Tiêu chuẩn sản phẩm, quy trình quy phạm xây dựng kết cấu kiến trúc và đơn giá xây dựng chưa được ban hành đồng bộ cho nên các nhà tư vấn, thiết kế kiến trúc chưa đưa VLXD không nung vào công trình.

Mặt khác, giá bán gạch block trước đây cao hơn gạch đất sét nung, nhất là so với gạch lò đứng thủ công, sử dụng đất ruộng không có thuế đất, giá thành thấp. Các nhà đầu tư chủ công trình trong nước đã quen sử dụng gạch đất sét nung nên chưa nắm bắt được tính ưu việt của VLXD không nung nhất là vật liệu bê tông nhẹ cũng như chưa quan tâm đến việc sử dụng nó. Do đó hầu hết gạch block vào công trình cao tầng do nhà thiết kế, chủ đầu tư nước ngoài sử dụng.

Ngoài ra, do VLXD không nung chưa phong phú về chủng loại sản phẩm nên chưa thu hút được thị trường nội địa cũng như thói quen của người tiêu dùng cũng khiến. Điều đó cũng đã khiến “miếng đất” cho các sản phẩm này còn hẹp.

Theo lộ trình, VLXD không nung sẽ hoàn toàn thay thế loại VLXD có nung trong vài năm tới. Điều đó đồng nghĩa với thị trường sẽ thiếu hụt hàng tỷ viên gạch, ngói và giá cả những loại VLXD cơ bản này nhiều khả năng sẽ không thể thấp. Theo đó, một câu hỏi đặt ra là VLXD không nung có đủ sức thay thế loại vật liệu truyền thống hay không sẽ là một câu hỏi khó bởi hiện nay không nhiều nhà máy sản xuất và công nghệ của nhiều cơ sở sản xuất. Có chăng các thiết bị cũng chỉ ở mức trung bình thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc phải song song tồn tại cùng với loại VLXD có nung chính là một hoàn cảnh tốt để các doanh nghiệp sản xuất VLXD không nung tự cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp sản xuất VLXD không nung trước hết nên tạo cho mình một sức cạnh tranh cao trước khi đòi hỏi những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

tag: vlxd khong nung, tinh uu viet vlxd khong nung

Tuyết Lê
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland