"BĐS đổ vỡ thì đã đổ vỡ rồi chứ không còn là chưa nữa. Còn HAGL đánh trống gõ mõ như vậy, theo tôi hiểu là anh này muốn nói với mọi người rằng: tôi dừng các dự án nọ kia là vì tôi rút lui, chứ không phải vì tôi phá sản..." - TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho biết.
HAGL vừa đánh trống vừa rút là để giữ thể diện
PV:= Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã tuyên bố tháo chạy khỏi BĐS Việt Nam, còn Quốc Cường Gia Lai (QCGL) thì phải cầm cố cả sổ đỏ của Chủ tịch HĐQT và con gái để tiếp tục trụ lại thị trường BĐS. Ông có đánh giá gì về diễn biến này?
TS. Phạm Sỹ Liêm: - Thị trường BĐS suy thoái thì tất nhiên các nhà kinh doanh BĐS gặp khó khăn. Bởi vì có hàng mà không bán được, tiền chôn dưới BĐS không quay vòng được. Mà tiền vay của ngân hàng thì vẫn phải trả lãi, nếu không trả lãi nữa thì buộc phải tuyên bố phá sản. Đây là chuyện thông thường trong thị trường BĐS.
Khi thị trường lên, các ông chủ kiếm ăn bộn, khi thị trường suy thoái thì các vị phá sản, hoặc bị đình đốn nên chuyện này không có gì lạ. Cái lạ là những nhà kinh doanh BĐS của chúng ta lúc nào cũng nghĩ kinh doanh thì phải đi lên. Đó mới là cái tai hại.
Đáng lẽ ra họ phải đề phòng rủi ro, có nhiều phương án để đối phó với mọi tình huống. Khi thị trường BĐS có dấu hiệu đi xuống thì rút lui lúc đó còn khả thi, chứ đợi đến khi suy thoái thế này mới rút thì bây giờ có mang sổ đi cắm cũng chẳng ai người ta dám cho vay tiền.
Thứ hai, HAGL trong bối cảnh đó đã muốn chuyển sang đầu tư thị trường BĐS Myanmar, họ cần rất nhiều tiền nên phải thoái vốn ở thị trường BĐS Việt Nam.
Nhưng có một điều lạ mà TS. Alan Phan đã nói, thường các nhà kinh doanh BĐS rút ra khỏi thị trường nào thì họ cứ lặng lẽ mà rút, đằng nay HAGL vừa rút vừa đánh trống la làng là tôi rút đây, khiến người ta mới cảm thấy đằng sau đó có một uẩn khúc. Tôi cũng cho rằng đây là một động thái lạ.
TS. Alan Phan cũng đã cảnh báo trong tình hình BĐS nguy hiểm như thế này thì mọi người phải tính đi, chứ không phải cứ ngồi mà hy vọng, sẽ càng ngày lún càng sâu. Và điều quan trọng là thị trường BĐS phản ánh tình hình kinh tế và nền kinh tế của ta xem chừng trong năm nay sẽ càng ngày càng khó khăn hơn. Tôi cũng đã nghe các nhà kinh tế họ dự báo điều này.
Trong tình hình khó khăn như vậy thì thị trường BĐS càng khó khăn hơn nữa chứ chưa phải là đã ổn.

TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho biết.

PV: - Việc hai đại gia BĐS của TP.HCM đều điêu đứng vì BĐS và tìm cách tháo chạy, liệu đã có thể khẳng định thị trường BĐS đổ vỡ chưa, thưa ông?

TS. Phạm Sỹ Liêm: - Đổ vỡ thì đã đổ vỡ rồi chứ còn gì là chưa nữa? Vấn đề là sự đổ vỡ này đến với doanh nghiệp này sớm, doanh nghiệp kia muộn, tùy vào tiềm năng của mỗi doanh nghiệp chứ không phải là đổ vỡ đồng loạt.
Với HAGL đánh trống gõ mõ như vậy, theo tôi hiểu là anh này muốn nói với mọi người rằng: tôi dừng các dự án nọ kia là vì tôi rút lui, chứ không phải vì tôi phá sản hay vì tôi khó khăn quá, không thanh toán được.
Vậy nên HAGL đánh trống trước khi rút là để khẳng định rằng tôi vẫn mạnh khỏe, vẫn giàu có, chẳng qua tôi rút là vì thị trường nó yếu kém nên tôi rút thôi. Đấy cũng là một cách vừa rút vừa giữ thể diện.
PV: - Vậy theo ông, liệu HAGL có thể dễ dàng rút khỏi thị trường BĐS Việt Nam không?
TS. Phạm Sỹ Liêm: - Tôi không biết tình hình của HAGL như thế nào nên không thể có ý kiến về vấn đề này được. Nhưng rõ ràng là HAGL đã chôn một đống tiền vào các dự án và không bán được. Còn đống đấy là bao nhiêu thì chỉ có HAGL mới biết chính xác.
Có giảm giá BĐS cũng chưa chắc có người mua
PV: - Có ý kiến cho rằng gói 30.000 tỷ đã thất bại vì hiện nay rất ít người vay được tiền mua nhà. Những dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện và rao bán đều được người dân mua hết. Trong khi đó, phải mất ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm nữa mới tiếp tục có sản phẩm bán ra thị trường, và lúc đó dường như đã quá muộn. Ông nghĩ sao về điều này?
TS. Phạm Sỹ Liêm: - Gói 30.000 tỷ có thể giúp BĐS đỡ khó khăn hơn phần nào nhưng theo tôi, ý định thì rất tốt và có thể có tác dụng, nhưng chỉ là tác động nhỏ chứ không phải ghê gớm gì.
Hơn nữa, cách đặt vấn đề không đúng nên không triển khai được. Không triển khai được thì chẳng biết bao giờ triển khai.
Tôi cũng đặt câu hỏi rằng không biết có đủ tiền để triển khai không? Vì nguồn vốn này chắc phải thu thì mới có, mà tiền ngân sách của chúng ta đang thiếu. Rất nhiều dự án chỉ cần vốn nội ứng thôi nhưng vẫn chưa có, nên không giải ngân được vốn ODA. Ví dụ như ở TP. HCM, dự án rất lớn, rất cần thiết nhưng cũng không có vốn nội ứng.
PV: - Với tình hình BĐS khó khăn như hiện nay, theo ông, các doanh nghiệp nên tiếp tục hạ giá xuống để vượt qua khó khăn này hay nên tiếp tục ôm đống BĐS mà chết theo nó?
TS. Phạm Sỹ Liêm: - Thật ra nên giảm giá thì chắc chắn rồi, bắt buộc phải giảm giá, chứ không còn là nên hay không nên. Nhưng vấn đề là giảm rồi thì có người mua hay không? Việc giảm giá mới chỉ là của bên kinh doanh thôi, là phía cung. Còn phía cầu liệu có mua hay không thì lại là chuyện khác nữa.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Duyên Duyên (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.