Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ đánh thuế xuất khẩu thép lên 3% vì cho rằng, thép lãi lớn nhờ giá điện thấp. Ngay lập tức, các doanh nghiệp thép đã gửi hẳn một bảng phân tích số liệu để phản bác lại ý kiến này.

Bộ Tài chính: thép lãi do giá điện thấp

Theo đề nghị của Bộ Tài Chính vừa trình Thủ tướng, ngành thép cần áp dụng mức thuế xuất khẩu áp dụng cho phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu là 3%. Lý do Bộ Tài Chính nêu ra là lợi nhuận của ngành thép có được là "do được hưởng lợi từ giá điện thấp khoảng từ 10-15 USD/tấn" tức là khoảng 214.000 - 321.000đ/tấn tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu. Số liệu này căn cứ vào giá điện tính đủ để Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không lỗ là 1.777 đ/KWh, thay vì giá điện bình quân năm 2010 là 1.242 đ/KWh. Nghĩa là hiện nay, các doanh nghiệp thép đang được mua giá điện rẻ tới 65%, lợi khoảng 535đồng/kWh so với mức giá điện mà đáng ra áp dụng để EVN không lỗ.

Năm 2010, khi cả nước đang thiếu điện trầm trọng, thông tin ngành thép bỗng dưng thắng lớn vì tăng trưởng mạnh ở thị trường xuất khẩu đã khiến cho ngành điện trở nên "phát sốt". EVN đã gửi ngay đề xuất tới Bộ Công Thương về việc hạn chế những nhà máy thép nằm ngoài qui hoạch cấp điện, đồng thời, cũng không quên đưa ra số liệu tiêu thụ điện quá tốn kém của thép, tiêu thụ tới 4,67 tỷ KWh điện. Riêng ngành thép và ngành xi măng đã ngốn khoảng 10% sản lượng điện của cả nước.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn kinh tế Việt Nam, báo VietnamNet, thứ trưởng bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng khẳng định: "Chúng tôi đề xuất tăng thuế xuất khẩu thép là hoàn theo tuân theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Thủ tướng đã nêu rõ những ngành nào tiêu hao nhiều năng lượng là phải chịu sự điều tiết. Thép tiêu hao quá nhiều điện, lãi nhờ điện nên phải áp 3% thuế xuất khẩu thép để điều tiết việc đó"

Hiệp hội Thép: tỷ lệ giá điện trong giá thép rất thấp

Trước kiến nghị ngày, các doanh nghiệp thép rất bức xúc vì cho rằng, những lý lẽ của Bộ Tài chính đưa ra là thiếu cơ sở thực tế và không thuyết phục.

Trong công văn gửi Thủ tướng hôm 6/6, hiệp hội thép phân tích, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép không cao nên không thể kết luận lợi nhuận ngành thép là do giá điện rẻ mang lại.

Ngành thép

Ảnh: Phạm Huyền

Đối với 5 mặt hàng thép hiện nay, so sánh giá điện trong giá thép xuất xưởng, Hiệp hội Thép cho biết, giá điện hiện nay chỉ chiếm 5,14% giá phôi thép, 0,77% giá thép cán xây dựng, 0,62% giá thép ống hàn, 0,65% giá thép mạ kim loại và 0,91% giá thép cán nguội. Nếu áp dụng giá điện theo "thị trường" là 1.777 đồng/kWh thì tỷ trọng giá điện trong giá thép lần lượt là 7,35% đối với phôi, 1,11% đối với thép xây dựng, 0,89% giá thép ống hàn, 0,85% thép mạ kim loại và 1,3% giá thép cán nguội.

Bên cạnh đó, với 5 chủng loại thì hiện nay, chỉ có phôi thép là tiêu hao nhiều năng lượng nhất, tới 600kWh/tấn phôi, còn lại, thép cán xây dựng là 100kWh/tấn, thép mạ là 120kWh/tấn và thép cán nguội là 114kWh/tấn. Trong đó, tăng sản xuất phôi trong nước là chủ trương của Nhà nước để giảm bớt phụ thuộc vào phôi nhập khẩu từ nước ngoài, chứ không nhằm mục tiêu xuất khẩu phôi.

Tỷ lệ thấp như vậy nên lãi trong sản xuất và xuất khẩu thép không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại kể cả khi đã tính đủ giá điện do EVN đề nghị, hiệp hội này nhấn mạnh.

Một phân tích khác của Hiệp hội Thép cũng cho thấy, sản phẩm phôi thép tiêu hao điện nhiền nhất 600kWh/tấn nhưng lượng phôi xuất khẩu và tái xuất khẩu không đáng kể, chủ yếu phôi bán cho các nhà máy cán thép trong nước. Số lượng 11.300 tấn phôi xuất khẩu 2010 là của công ty thương mại tái xuất là chính.

Chi tiết xuất khẩu thép cán nguội tăng 609% mà Bộ Tài chính dẫn ra là có lý do "riêng". Bởi cuối năm 2009, công ty Posco - Hàn Quốc đã đưa nhà máy cán nguội công suất 1,2 triệu tấn vào sản xuất làm cho tổng công suất cán nguội cả nước tăng đột biến lên 2,73 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu trong nước năm 2010 chỉ ở mức 1,365 triệu tấn, nên Posco xuất khẩu là chủ yếu. Tiêu thụ điện để sản xuất cán nguội tối đa là 114kWh/tấn, không phải mức lớn.

Vì vậy, mức so sánh % tăng trưởng xuất khẩu thép của năm 2010 so với năm 2009 chỉ để tham khảo, mang tính tương đối.

Tăng giá điện theo thị trường hiệu quả hơn tăng thuế

Một tính toán khác mà Hiệp hội thép đưa ra cũng rất đáng lưu tâm. Đó là nếu so sánh giữa mức thuế suất xuất khẩu thép 3% do Bộ Tài chính đề nghị với mức tăng giá điện khi EVN tính đủ giá điện là 1.770 VNĐ/kWh thì phần tiền tăng lên nhờ đánh thuế thép đã vượt xa so với mức bù giá do EVN đề nghị.

Ví dụ như, với phôi thép, nếu áp dụng giá điện tính đủ thì tiền điện thu thêm được là 321.000 đồng/tấn nhưng nếu đánh thuế 3% xuất khẩu thì ngành thép phải trả thêm tới 435.000 đồng/ tấn.

Ngành thép

Ảnh: Phạm Huyền

Thép xây dựng nếu áp thuế xuất khẩu 3% thì sẽ phải chi thêm 480.000 đồng, trong khi nếu mua giá điện tính đủ cho EVN, chỉ bỏ thêm 53.500 đồng. Tương tự, với sản phẩm ống thép hàn, việc đánh thuế sẽ khiến các doanh nghiệp chi thêm 600.000 đồng nhưng nếu mua điện theo thị trường, chỉ phải bỏ thêm 53.500 đồng. Thép cán nguội cũng tương tự, áp thuế xuất khẩu phải tăng thêm 465.000 đồng/tấn trong khi nếu mua điện theo giá thị trường thì chỉ chi thêm 60.990 đồng. Chênh lệch lớn nhất là thép mạ, trong khi đáng lẽ chỉ mất 64.200 đồng tiền điện tăng thêm nếu giá điện tính đủ thì việc áp thuế lại khiến các doanh nghiệp phải bỏ thêm tới 647.000 đồng/tấn.

Có thể nói, nếu để lựa chọn giữa hai hình thức, giá điện theo thị trường và chịu thuế xuất khẩu để điều tiết thì rõ ràng, việc thu thuế đã "chiếm dụng" chi phí của thép nhiều hơn so với việc mua điện. Khoảng chênh này lên tới 114.000 đồng đến 609.000 đồng/tấn.

So sánh này cho thấy, việc thay đổi mức thuế xuất khẩu sẽ làm các doanh nghiệp thép không ổn định được kế hoạch sản xuất kinh doanh và làm nản lòng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào ngành thép.

Hiệp hội thép đã kiến nghị Thủ tướng, không đánh thuế vào các sản phẩm thép xuất khẩu. Bởi lẽ, nhiều sản phẩm thép của Việt Nam đang dư thừa lớn và phải cạnh tranh khốc liệt với các nước xuất khẩu thép ở khu vực và thế giới (đặc biệt là Trung Quốc). Nhiều nước xuất khẩu thép đang áp dụng nhiều biện pháp trợ giá cho sản phẩm thép xuất khẩu. Nếu Việt Nam đánh thuế vào sản phẩm thép xuất khẩu sẽ làm cho xuất khẩu thép giảm, dư thừa thép càng thêm trầm trọng.

Còn vì gắn với lý do của ngành điện, Hiệp hội này đề xuất Nhà nước sớm cho ngành điện tính giá điện theo cơ chế thị trường để ngành điện có điều kiện phát triển. Điều quan trọng nhất đối với sản xuất thép là cung cấp điện phải liên tục và ổn định vì cung cấp gián đoạn và mất điện đột xuất sẽ tổn hại đến sản xuất lớn hơn nhiều so với tăng giá điện. Việc tăng giá điện theo thị trường cũng góp phần thúc đẩy các công ty trong ngành thép cải tiến thiết bị và công nghệ giảm tiêu hao điện năng và giảm giá thành, nâng cao tính cạnh trạnh của sản phẩm thép ở trong nước và thế giới.

Theo Phạm Huyền (Vef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: 0