Các ngân hàng châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp năm 2011. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh giai đoạn khó khăn nhất của cuộc khủng hoảng này dường như đã qua, các ngân hàng trong khu vực giờ đây có khả năng ứng phó tốt hơn với cuộc suy thoái kinh tế ở Khu vực đồng euro (Eurozone).
Gần như toàn bộ các ngân hàng này phải chung vai gánh vác việc xóa 107 tỷ euro nợ cho Hy Lạp. Đồng thời, họ cũng phải chuẩn bị để đối phó với quy định vốn bị thắt chặt hơn, theo đó các ngân hàng sẽ phải tăng dần tỷ lệ dự trữ để bảo đảm có thể "sống sót" qua bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính mới nào.

Chính phủ các nước châu Âu cũng nản lòng trước việc các ngân hàng không muốn cung cấp các khoản cho vay, mặc dù Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) bơm khoản tiền mặt lớn đi kèm với dự báo Eurozone chỉ suy thoái nhẹ trong năm nay.


Mặc dù vậy, các cổ phiếu ngành ngân hàng ngày càng hấp dẫn giới đầu tư trong những tháng gần đây. Một số nhà phân tích cho rằng cổ phiếu của các ngân hàng hiện rẻ tới mức xứng đáng để họ chấp nhận rủi ro để mua vào.


Simon Denham, người đứng đầu tập đoàn thương mại Capital Spreads, nhận định các ngân hàng khởi đầu năm nay khá khả quan, với việc giá cổ phiếu tăng mạnh, trong bối cảnh ngành ngân hàng châu Âu được lợi không nhỏ từ đợt bơm tiền mặt lớn của ECB.


Bảng cân đối kể toán đang được khôi phục, trong khi nguy cơ xảy ra một cuộc căng thẳng tín dụng nữa gần đây cũng được ngăn chặn.


Deutsche Bank, ngân hàng lớn nhất của Đức, làm ăn tốt hơn hầu hết các ngân hàng khác ở trong nước, mặc dù Deutsche Bank không đáp ứng được mục tiêu lợi nhuận trong năm 2011, do môi trường kinh tế xấu đi rõ rệt và bất ổn ngày càng gia tăng trên các thị trường trên toàn cầu trong 6 tháng cuối năm 2011 trước tác động của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.


Năm 2011, lợi nhuận ròng của Deutsche Bank tăng tới 87% lên 4,3 tỷ euro, trong khi Commerzbank, ngân hàng lớn thứ hai của Đức, cho hay lợi nhuận giảm trên 55%.


Tại Anh, Lloyds Banking Group thông báo lỗ của ngân hàng đã tăng 9 lần lên 2,78 tỷ bảng Anh (4,38 tỷ USD), còn Royal Bank of Scotland, ngân hàng do Chính phủ Anh sở hữu 82%, cho hay thua lỗ tăng lên 1,99 tỷ bảng Anh trong năm 2011 sau khi giảm nợ cho Hy Lạp.


Tại Pháp, ngân hàng Dexia thua lỗ ở mức kỷ lục 11,6 tỷ euro năm 2011 và ngân hàng này đang tìm kiếm thêm sự trợ giúp của chính phủ sau khi bị thiệt hại nặng từ việc nắm giữ lượng lớn trái phiếu của Chính phủ Hy Lạp.


Ngân hàng hàng đầu của Pháp Societe Generale thông báo lợi nhuận giảm 39%, sau khi giảm 75% nợ cho Hy Lạp cộng thêm dư âm của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp dưới chuẩn của Mỹ.


BNP Paribas, ngân hàng lớn nhất của Pháp, cũng thiệt hại tương tự từ việc giảm nợ cho Hy Lạp, với lợi nhuận ròng giảm 23% trong năm 2011./.
Theo (Vietnamplus)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh