Đó tưởng như là chuyện chỉ có ở TP đông đúc nào đó chứ nhất định không phải ở Đà Nẵng. Ấy vậy mà chuyện thật như đùa này đã diễn ra gần 40 năm qua với 37 nóc nhà, tương ứng 364 nhân khẩu ở “xóm đường ray” (Tổ 23- P.Hải Châu2- Q. Hải Châu), một quận trung tâm của TP.Đà Nẵng.

Người ta gọi nơi đây là “xóm đường ray” vì trước kia có tàu hỏa chạy vắt qua, nên dù giờ đã có tên tổ, tên phố đàng hoàng nhưng người dân đã gọi quen miệng rồi. Ngày nào ở xóm này cũng là cuộc liên hoan lớn với cả trăm con người vì đều cùng nhau nấu ăn… ngoài đường. Đang đi đường Hùng Vương rộng thênh thang, bất chợt lạc vào “xóm đường ray”, chẳng khác gì đang dự “triển lãm” với nào là quần áo, nồi niêu, bát đũa,….để hết ngoài đường đi.

Như nhà bà Võ Thị Thêm (61 tuổi) phải để tủ xong nồi, bát đĩa, xô chậu, tủ lạnh... ở hết ngoài khoảng hành lang hơn 1m2 trước nhà. Vừa nhanh tay nấu ăn, bà vừa nói: “Đấy chị xem, nhà tôi có 10m2 mà tới 6 người ở. Trong nhà chỉ để cái xe tập đi của đứa cháu với cái giường gấp thì chả còn lối nào mà đi. Ban ngày, mấy đứa đi làm thì thôi, chứ tối về đông đủ cả thì cực lắm. Chật chội thế này, nhà tôi phải nới thêm căn gác phía trên để mấy đứa lên ngủ nhưng trên ấy mùa nắng thì không khác gì cái hỏa lò.”

Cũng như nhà bà Thêm, các hộ dân xóm này đều phải nới thêm một chiếc gác nhỏ để tiện việc ngủ nghỉ, chưa nói đến sinh hoạt. Gọi là gác cho oai chứ ai nhìn vào, thấy không khác gì cái chuồng bồ câu. Bởi đó chỉ là những tấm tôn cũ, mảnh gỗ chắp nối vào nhau. Phía ngoài gác nhỏ, người ta cũng để đủ thứ như chiếc ghế hỏng, cái cân, thùng nước, dẻ lau và quần áo thì phơi hết cả lên dây điện.

Vì nhà chật quá nên bà Võ Thị Thêm phải nấu ăn ngoài hành lang trước nhà.

Không phải nấu ăn phía ngoài như các nhà khác nhưng nhà anh Trần Nhỏ (hơn 40 tuổi) chỉ có 7m2, không gian sinh hoạt cho 5 người. Anh nói: “Hai vợ chồng buôn bán phế liệu nên đi cả ngày, tụi nhỏ thì đi học. Buổi tối, cả nhà quây quần phía dưới, 2 vợ chồng coi tivi còn tụi nhỏ học. Biết ồn ào và chật chội đấy, việc học của tụi nhỏ cũng bị phân tâm khi ba mẹ coi tivi nhưng biết làm sao được”.

Nấu ăn ngoài đường, sinh hoạt thường ngày ngoài đường là chuyện thường ở xóm đường ray, thế vẫn còn may. Như nhà bà Trần Thị Mười (60 tuổi), nhà có 15m2 nhưng 10 người sinh sống. Vì chật chội, không có chỗ ngủ nên gia đình con trai bà phải ra ngoài thuê nhà. Hiện chỉ còn 6 người ở nhà.

Cả xóm đường ray, hầu hết là dân lao động, chiếc xe máy là tài sản lớn nhất. Nhưng nhà chật chội quá nên đành để xe phía ngoài đường. Người trong xóm thường đùa nhau: “May mà đang ở TP đáng sống chứ không mấy chiếc xe máy để ngoài đường thế này, trộm nó cuỗm lâu rồi”.

Tự hào ở TP đáng sống vì để đồ ngoài đường mà không mất

Không những khổ vì mùa nắng trong không gian chật chội, nhiều nhà dân ở xóm này còn sống chung với mùa mưa rất “kinh nghiệm”. Ông Võ Văn Tuấn (61 tuổi), cũng là tổ trưởng của tổ 23 chia sẻ: “Tôi mua căn nhà này từ ngày 31/12/1975 nhưng đến giờ vẫn chưa làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà cả cái xóm này cũng chưa có nhà ai có Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhà 34m2 mà có 12 người sinh sống nhưng vẫn khắc phục được. Có điều đường này nâng lên từ năm 2005, nhà mình chưa có điều kiện nâng lên nên thấp hơn đường nửa mét. Vì thế mùa mưa, cả nhà thay nhau tát nước ra, có khi mưa to quá thì chịu khó bì bõm trong nhà cả tuần.”

Về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Võ Văn Tuấn đã đại diện cho tổ 23 có kiến nghị lên chính quyền. Ngày 18/2/2014, Sở Tài Nguyên và Môi trường Đà Nẵng có công văn trả lời như sau: “Liên quan đến vấn đề thu tiền sử dụng đất khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND TP đã có Công văn số 705/UBND- QLĐTh ngày 23/01/2014. Theo đó, UBND TP đã đồng ý chủ trương thực hiện thu 50% tiền sử dụng đất đối với phần diện tích nằm trong hành lang an toàn đường sắt mà chủ sử dụng đất ở sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo đúng quy định tại Điểm a, khoản 5 Điều 2 Nghị định 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất”.

Tuy nhiên theo Điểm a, khoản 5 Điều 2 Nghị định 120/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, chỉ quy định thu 50% tiền sử dụng đất cho trường hợp lấn chiếm xây dựng nhà ở trước ngày 15/10/1993 nhằm hợp thức hóa phần đất lấn chiếm này. Nhưng theo người dân tổ 23 (P. Hải Châu 2, Q. Hải Châu) thì đất mà họ đang sử dụng không phải là đất lấn chiếm mà là mua lại từ người chủ trước từ năm 1975 dưới chế độ cũ. Theo đó, họ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

Mặc dù sống trong căn nhà siêu nhỏ giữa trung tâm TP nhưng hiện đây là tài sản quý giá nhất đối với người dân tổ 23. Kèm theo sự vất vả sống trong căn nhà chật hẹp, người dân ngày ngày nơm nớp lo âu không biết số phận căn nhà mình như thế nào nếu không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vì vậy, họ mong chính quyền Đà Nẵng sớm có biện pháp can thiệp, để người dân ổn định cuộc sống, để TP văn minh đẹp đẽ không còn những khu nhà ổ chuột như này.

Hồng Thúy (Thể Thao - Văn Hóa)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.