"Nhà chúng tôi đang sinh sống, bỗng có người đến nói nhà này đã có người mua rồi. Tôi nghe mà ngã ngửa người chẳng hiểu chuyện gì đang ập tới…" – anh Đặng Văn Hồi ở xóm 3 Bắc, xã Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội bức xúc cho biết.

Nhà anh Hồi. Ảnh: M.T

Theo đơn của anh Đặng Văn Hồi, gia đình anh đang sử dụng, sở hữu toàn bộ thửa đất số 54b và ngôi nhà tầng trên đất. Toàn bộ thửa đất này cũng đã được UBND huyện Đông Anh cấp "sổ đỏ" năm 2006.

Là chủ hộ anh Hồi khẳng định từ trước tới nay chưa bao giờ tham gia bất cứ giao dịch gì liên quan đến việc ủy quyền, chuyển nhượng, cầm cố, cho thuê, bảo lãnh liên quan tới mảnh đất trên. "Từ đầu năm 2013, gia đình chúng tôi bị một số đối tượng đến yêu cầu bàn giao nhà và đất" - anh Hồi nói.

Cơ sở để những người đến đòi nhà đất của gia đình anh Hồi là Hợp đồng ủy quyền số 678.2012 do Văn phòng Công chứng Lạc Việt (Văn Cao, Hà Nội) lập ngày 12/7/2012 do Công chứng viên Bùi Huy Cường ký. Tiếp đến là Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất số 1466.2012 do Văn phòng Công chứng Nguyễn Tú lập ngày 31/10/2012.

Theo Hợp đồng ủy quyền do Văn phòng Công chứng Lạc Việt lập, bên ủy quyền (A) là 4 thành viên trong gia đình gồm cụ Phùng Thị Lan (mẹ anh Hồi), anh Đặng Văn Hồi và 2 con anh là Đặng Văn Trường (SN 1993), Đặng Thị Sơn (SN 1995). Bên nhận ủy quyền (B) là chị Nguyễn Thị Xuân (SN 1975, vợ anh Hồi), người làm chứng là Hà Văn Chiến. Nội dung ủy quyền là bên B được quản lý, sử dụng toàn bộ bất động sản của thửa đất số 54b; thực hiện các thủ tục theo quy định để cho mượn, tặng cho, góp vốn, chuyển nhượng...

"Chữ ký của tôi trong Hợp đồng ủy là giả mạo, bởi tôi đi làm xa không hề ký hay tham gia giao dịch gì" - anh Hồi khẳng định. Cụ Lan và 2 con anh Hồi cũng khẳng định không hề ký vào một giấy tờ gì cả, không biết gì về chuyện này, mà tự nhiên thấy tên mình trong Hợp đồng ủy quyền mà những người đến đòi nhà đưa ra. Trong bản Hợp đồng ủy quyền còn thấy dấu vân tay ghi ngón trỏ phải của cụ Lan, các chữ ký của anh Hồi và 2 người con. Chữ ký đơn giản theo cách ghi tên thông thường như Hồi, Trường và Sơn.

Theo anh Hồi thì từ Hợp đồng ủy quyền trên, vợ anh chị Nguyễn Thị Xuân có dùng để vay mượn tiền đề làm ăn hay không không rõ. Các thành viên gia đình còn lại không ủy quyền, không ký vào các hợp đồng này. "Ở đây có dấu hiệu Công chứng viên cấu kết lừa đảo hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả…" - anh Hồi bức xúc.

Để làm rõ vấn đề này, anh Hồi đã có đơn gửi Văn phòng Công chứng Lạc Việt đề nghị giải quyết. Đồng thời cũng gửi đơn lên Công an TP. Hà Nội đề nghị điều tra, xác minh, làm rõ việc giả mạo chữ ký để hợp thức giấy tờ chiếm đoạt tài sản.

Về phần mình, ông Trần Quốc Khánh - Trưởng Văn phòng Công chứng Lạc Việt cho biết: Theo quy định Công chứng viên hoạt động độc lập, phải chịu trách nhiệm về nội dung mình công chứng. Còn liên quan đến khiếu nại của anh Hồi, về các chữ ký đúng hay sai, sẽ phải chờ kết quả giám định của cơ quan chức năng. Sau khi có kết quả giám định, mới khẳng định các chữ ký có bị làm giả hay không. Nếu chữ ký là giả, hợp đồng sẽ vô hiệu và công chứng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cũng theo ông Khánh, hiện nay những khiếu kiện liên quan đến công chứng hợp đồng chuyển nhượng nhà đất khá phổ biến.

Anh Phạm (Báo Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.